Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 16/11/2017 - Lượt xem: 4577

Chiều 15-11, Bộ Y tế đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về việc đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP).

Tham dự buổi Gặp mặt báo chí có ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua & Khen thưởng, Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, đại diện các vụ, cục, đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí của TƯ và địa phương.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết ngay từ năm 2010, Bộ Y tế đã có các đề án kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 227 TTHC. Việc đơn giản TTHC này đã giúp tiết kiệm 1.000 tỉ đồng mỗi năm.

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thông tin với báo chí về đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATTP

Trong lĩnh vực ATTP, bà Trần Việt Nga cho biết, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, Bộ sẽ giảm từ 54 điều kiện xuống còn 46 điều kiện; cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm giảm từ 57 điều kiện còn 48; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ 152 điều kiện còn 133 điều kiện.

Nhiều điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm không còn hiệu lực như: Không bị ngập nước, đọng nước; Kết cấu cơ sở kinh doanh phù hợp với tính chất, quy mô; xây dựng bằng vật liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn; Có hệ thống sổ sách hoặc phần mềm quản lý thực phẩm trong suốt quá trình kinh doanh.

Với thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, Bộ Y tế đã đề xuất đối với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (trừ thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp), thì doanh nghiệp tự công bố và gửi một bản tới UBND cấp tỉnh và được phép sản xuất kinh doanh sau khi gửi bản công bố.

Với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn là thực phẩm sức khỏe, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp nhập khẩu và sản xuất trong nước thì phải kiểm soát chặt, cần được thẩm xét hồ sơ và sau khi được cấp giấy phép tiếp nhận mới được sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế cũng đề xuất kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm với các sản phẩm đã được xác nhận đạt yêu cầu về ATTP được cấp tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng hoặc đối với sản phẩm đã có ba lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc được sản xuất trong cơ sở có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000, GMP, IFS, BRC hoặc tương đương…

Với việc giảm mạnh các điều kiện như vậy, sẽ giảm được 95% lô hàng cần kiểm tra hồ sơ trước khi nhập khẩu. Với các sản phẩm thuộc diện kiểm tra thông thường, thời gian kiểm tra hồ sơ cũng được đề xuất giảm từ sáu ngày xuống còn ba ngày.

Như vậy, so với Nghị định 38/2012, dự thảo Nghị định sửa đổi lần này đã lược bỏ bớt nhiều thành phần hồ sơ như: Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với sản phẩm nhập khẩu, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với sản phẩm nhập khẩu, Kế hoạch kiểm soát chất lượng, kế hoạch giám sát định kỳ, bản thông tin chi tiết về sản phẩm, mẫu sản phẩm…

Dự kiến trong tháng 12 tới, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 38/2012 mà không phải là Nghị định sửa đổi nữa. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang rà soát và đề xuất sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt lĩnh vực ATTP theo hướng tăng mức xử phạt.

Bên cạnh đó Bộ Y tế cũng đang thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, tính tới thời điểm hiện tại đã kết nối 5 thủ tục hành chính liên quan ATTP và thiết bị y tế với hải quan. Dự kiến năm 2020, các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính được thực hiện thông qua cơ chế 1 cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công mức 4, được kiểm tra, thu phí qua hệ thống điện tử.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng hoàn thiện việc cắt giảm các thủ tục hành chính để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng trưởng kinh tế toàn xã hội.

VFA

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top