Công bố tiêu chuẩn thực phẩm: Cuộc đối thoại cởi mở

Ngày đăng: 20/09/2017 - Lượt xem: 11100

Bộ Y tế lấy ý kiến việc doanh nghiệp muốn tự công bố quy chuẩn an toàn cho các loại thực phẩm có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Chiều 19/9, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp (DN) nhằm tiếp thu ý kiến góp ý các nội dung được quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 về thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất việc công bố tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm sẽ chia làm 2 nhóm: Doanh nghiệp được quyền tự công bố và Bộ Y tế công bố xác nhận sản phẩm của doanh nghiệp là hợp quy chuẩn ATTP.

Cong bo tieu chuan thuc pham: Cuoc doi thoai coi mo
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế trình bày Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38.

Cụ thể, DN được quyền tự công bố các tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm của mình là phù hợp với các quy chuẩn hoặc quy định của Bộ Y tế về ATTP.

Đây là các sản phẩm thường, đã qua chế biến bao gói sẵn; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

Còn đối với 3 loại: Thực phẩm chức năng (TPCN), phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe thì phải chịu sự cấp phép của Bộ Y tế.

Hiện, đại diện các nhóm DN cho rằng, một số thực phẩm trong 3 loại trên có thể không ảnh hưởng quá lớn tới sức khỏe người tiêu dùng nên đề nghị được đưa vào danh sách nhóm thực phẩm mà DN được phép tự công bố.

Cụ thể như nước mắm có thêm i-ốt, nước tương bổ sung sắt, kẽm, vi chất khoáng..., sữa cho trẻ em, nước khoáng bổ sung vi chất...

Theo phía DN, sản phẩm sữa cho trẻ em được quy định khái niệm rõ ràng trong Tiêu chuẩn Codex về Vệ sinh thực phẩm, là những sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đề xuất, đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ trên 36 tháng tuổi nằm ngoài quy định trong Tiêu chuẩn Codex, có thể cho phép doanh nghiệp tự công bố các quy chuẩn về ATTP.

Tuy nhiên, một số đại diện của doanh nghiệp khác cho rằng, sản phẩm sữa là một mặt hàng phổ biến, có tác động lớn tới sức khỏe con người bởi sử dụng thường xuyên, đặc biệt là trẻ em. Do đó, nếu để DN tự công bố quy chuẩn thì một khi có rủi ro sẽ ảnh hưởng lớn đến số lượng lớn người tiêu dùng.

TS. Phạm Hưng Củng- Tổng Thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, hệ thống tiêu hóa, các cơ quan chức năng, sinh lý của trẻ cho đến dưới 12 tuổi là giai đoạn đầu và đặc biệt quan trọng của quá trình phát triển nên không thể lơ là về sản phẩm chất lượng và an toàn.

Cong bo tieu chuan thuc pham: Cuoc doi thoai coi mo
DN đề xuất tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sữa cho trẻ trên 3 tuổi.

Bên cạnh đó, đại diện công ty Trung Thành Food nêu ý kiến, một số sản phẩm là thực phẩm bổ sung các vi chất dinh dưỡng thuộc danh mục TPCN như nước tương, nước mắm... lâu nay đã được người dân sử dụng thường xuyên và có các chất dinh dưỡng  cần thiết cho sức khỏe người tiêu dùng như i-ốt, kẽm, sắt... thì ít có rủi ro về sức khỏe.

Do vậy, DN đề xuất được tự công bố quy chuẩn chất lượng an toàn cho loại này.

Chủ trì cuộc họp với các đại diện DN, Hiệp hội DN, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường yêu cầu đại diện Cục ATTP giải đáp các thắc mắc và đề xuất của DN.

Cục trưởng Cục ATTP - ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, về sản phẩm sữa cho trẻ em là sản phẩm đã có quy chuẩn về ATTP. Song xét thấy tình hình thị trường sữa tại Việt Nam hiện nay được các DN quảng cáo, ghi nhãn không kiểm soát thông tin, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, Cục ATTP tiếp tục giữ quan điểm về việc sản phẩm  này phải được Bộ Y tế kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh.

Về các thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng như nước mắm, nước tương, Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn các chất dinh dưỡng trong một sản phẩm ảnh hưởng tới hàm lượng dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng.

Do đó, phải tuân theo sự thay đổi về tháp nhu cầu dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng. Nếu nhu cầu của người Việt Nam về một loại vi chất dinh dưỡng nào đó giảm đi, thì cũng phải điều chỉnh lại các hàm lượng trong thực phẩm tương ứng, không phải sản phẩm nào bổ sung nhiều dinh dưỡng sẽ là có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Lấy ý kiến đa số trong cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kết luận sẽ giữ nguyên các danh mục hiện nay về phân loại công bố, tự công bố quy chuẩn chất lượng thực phẩm phù hợp quy định về ATTP.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh, không phải sản phẩm nào cũng cần công bố hợp quy, tuy nhiên nếu để DN chịu trách nhiệm thì rất rủi ro cho người dân bởi chúng ta có thị trường lớn, ý thức của người dân về ATTP chưa cao, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành vê ATTP còn hạn chế.

"Chúng tôi lo ngại nếu chỉ hậu kiểm, phát hiện thực phẩm có vấn đề thì đã “vào bụng” người dân hết rồi thì rất gay go, cho nên, vẫn có những sản phẩm chỉ cần hậu kiểm nhưng vẫn có những sản phẩm phải gồm cả hậu kiểm và kiểm soát hồ sơ công bố các tiêu chuẩn sản phẩm cho cơ quan quản lý" - Thứ trưởng Cường nhấn mạnh.

Ưu ái tối đa cho doanh nghiệp, người tiêu dùng phải có lợi hơn

Bên cạnh việc phân loại các nhóm thực phẩm được tự công bố và cấp phép quy chuẩn, DN cũng đề xuất giảm thời gian xem xét cấp phép cho doanh nghiệp từ 30 ngày xuống còn 20 ngày làm việc.

Cục trưởng Cục ATTP nhận định, tinh thần của ban soạn thảo là tiếp thu và lắng nghe ý kiến của DN song có nhiều loại sản phẩm cần có sự kiểm chứng khoa học rõ ràng trước khi cấp phép nên có ý kiến bảo lưu phương án 30 ngày làm việc.

Nguồn: Báo Đất Việt

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top