Kết quả xác minh giải quyết thông tin “gạo giả trên thị trường Hà Nội”

Ngày đăng: 04/04/2012 - Lượt xem: 4920

Trong những ngày vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc trên thị trường Hà Nội xuất hiện “gạo giả” khi nấu thành cơm có mùi nhựa, có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm gây hoang mang cho cộng đồng

Trước những thông tin trên Cục ATVSTP đã khẩn trương chủ động phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành kiểm tra xác minh thông tin “gạo giả trên thị trường Hà Nội”, Cục ATVSTP xin báo cáo kết quả xác minh như sau:

I.TÓM TẮT QUÁ TRÌNH XÁC MINH VÀ KẾT QUẢ XÁC MINH:

1. Ngày 03/4/2012, ngay sau khi có thông tin “gạo giả” đăng trên phương tiện thông tin đại chúng, Lãnh đạo Cục ATVSTP đã nhanh chóng làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và Chi cục ATVSTP Hà Nội nhằm thống nhất biện pháp phối hợp xác minh, dứt điểm giải quyết thông tin xuất hiện“gạo giả”tại Hà Nội.

-  Do có sự thống nhất cao trong phối hợp liên ngành nên cuối ngày 03/4/2012, Chi cục ATVSTP Hà Nội và lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã cơ bản xác định được khu vực Tân Mai, Quận Hoàng Mai là nơi nghi ngờ có bán “gạo giả”  như báo chí đã đăng.

2. Ngày 04/4/2012, Cục ATVSTP đã phối hợp với Chi cục ATVSTP Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra tiến hành xác minh và lấy mẫu gạo nghi “gạo giả” tại các địa chỉ do một số phóng viên báo chí cung cấp sau đây:  

2.1.Tại tòa soạn báo Lao Động Thủ đô số 1A Yết Kiêu, Hà Nội:

Đoàn kiểm tra đã gặp bà Nguyễn Thị Huế, phóng viên báo Lao động Thủ đô (người cung cấp thông tin về gạo giả cho lãnh đạo Cục), Phóng viên Nguyễn Thị Huế đã cung cấp cho đoàn 02 mẫu gạo nghi“gạo giả” là Gạo Tám Thái (giá bán 20.000 đ/kg) và Gạo Ci Dẻo (giá bán 13.000đ/kg) do bà Huế mua tại chợ Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Phóng viên Nguyễn Thị Huế có phản ánh sau khi nấu cơm cả 2 loại gạo này có mùi lạ riêng loại gạo Ci dẻo có mùi hắc hơn và đề nghị cơ quan quản lý nhanh chóng có kết luận về chất lượng 2 mẫu gạo này để phóng viên có thông tin trả lời bạn đọc.

2.2. Kiểm tra đại lý gạo Đức Thiện địa chỉ số 32/88 Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội (địa chỉ do phóng viên Lê Hồng Kỷ báo Dân trí phản ánh)

-  Cục ATVSTP đã phối hợp với Đoàn Thanh tra đột xuất về ATTP theo Quyết định số 28/QĐ-TTr ngày 04/4/2012 của Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội (thanh tra Sở Y tế , Chi cục ATVSTP, Chi cục QLTT Hà Nội, Phòng Y tế  và Công an Quận Hoàng Mai) tiến hành kiểm tra xác minh, cụ thể:

- Đại lý Gạo Đức Thiện  đã kinh doanh gạo từ năm 2008, hiện đang bán các loại gạo do 04 người cung cấp: Bà Bình - Thơm (số 213/6 cầu Văn Điển), ông Trần Văn Hùng (thôn Kim Trung xã Phan Đình Phùng, Mỹ Hào, Hưng Yên), ông Phạm Văn Cách (xóm 2 Giao Lương, Giao Thủy, Nam Định) và Ông Đinh Hữu Liên (xóm 6 Nam Dương, Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội), không có hợp đồng mua bán; Số lượng gạo hiện có tại cửa hàng khoảng 3000kg, phục vụ cả bán lẻ và bán buôn.

-  Kiểm tra trực tiếp các lô gạo đang bày bán tại cơ sở chưa phát hiện thấy hiện tượng bất thường về màu sắc và mùi vị.

- Cục ATVSTP đã lấy 03 mẫu gạo Tám Thái, Ci Dẻo, Tẻ Điện Biên của đại lý Đức Thiện, trong đó có mẫu gạo Tám Thái có màu sắc hình dạng giống mẫu gạo của phóng viên báo Dân trí gửi về Cục ATVSTP.

3. Kết quả kiểm nghiệm:

-  Để nhanh chóng có thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước và cảnh báo cho người tiêu dùng, Cục ATVSTP đã có công văn số 438 /ATTP-TTrC ngày 04/4/2012, đề nghị Viện KNATVSTP Quốc gia khẩn trương phân tích 05 mẫu gạo do Cục ATVSTP lấy tại các cơ sở do phóng viên báo chí cung cấp.

- Kết quả kiểm nghiệm: Ngày 05/4/2012, Viện KNATVSTP quốc gia đã có kết quả phân tích 05 mẫu gạo nói trên; Qua kết quả phân tích, 05 mẫu gạo trên có các chỉ tiêu (Protein, tinh bột, Vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả. Không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích.

II. KẾT LUẬN:

Qua kết quả xác minh, Cục ATVSTP có kết luận như sau:

Kết quả kiểm tra và phân tích các mẫu gạo nghi ngờ “gạo giả” có các chỉ tiêu phù hợp với thành phần gạo Việt Nam (bảng thành phần thức ăn Việt Nam). Vì vậy thông tin về “gạo giả” tại Hà Nội là chưa chính xác.

III. ĐỀ NGHỊ:

- Để từng bước nâng cao chất lượng ATTP đối với sản phẩm gạo, đặc biệt Việt Nam một nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, đề nghị Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gạo, nhằm hạn chế tối đa các sản phẩm gạo kém chất lượng, gạo không đảm bảo ATTP lưu hành trên thị trường.

- Đề nghị Sở Y tế Hà Nội, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP trên địa bàn đồng thời công khai rộng rãi các thông tin về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Cục trưởng

(Đã ký)

Trần Quang Trung

TẢI NỘI DUNG BÁO CÁO TẠI ĐÂY

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top