“Phòng chống ngộ độc rượu và tác hại do lạm dụng rượu ở Việt Nam”

Ngày đăng: 15/09/2012 - Lượt xem: 4142

Ngày 13/9/2012, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Phòng chống ngộ độc rượu và tác hại của lạm dụng rượu” tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tham dự hội thảo có 124 đại biểu từ các cơ quan Bộ ngành chức năng, của Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam, hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm, các viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, Sở công thương, Ban an toàn giao thông tỉnh và lãnh đạo chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của 62 tỉnh/thành phố

Trong thời gian qua, ngộ độc thực phẩm do rượu và tai nạn giao thông liên quan đến rượu đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và dư luận xã hội. Số vụ ngộ độc do rượu chiếm 3,4% tổng số vụ NĐTP/năm nhưng số người chết do ngộ độc rượu chiếm tới 26,0% số người chết do NĐTP/năm; nạn nhân bị tai nạn giao thông đường bộ có tới 62% có nồng độ cồn trong máu cao, 34% nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ có nồng độ cồn trong máu cao...

 Hội thảo đã nghe 8 báo cáo và nhiều ý kiến thảo luận của cơ quan chức năng, hiệp hội, địa phương tập trung vào việc đánh giá thực trạng, nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do rượu, tai nạn giao thông liên quan đến uống rượu, kinh nghiệm công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, tác hại của lạm dụng rượu và các kiến nghị về bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh rượu, phòng chống ngộ độc thực phẩm và tác hại của lạm dụng rượu.

Kết thúc hội thảo, TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đánh giá cao giá trị thông tin các nội dung tham luận, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và tác hại của lạm dụng rượu hiện nay. Kết luận hội thảo, 4 nhóm giải pháp đã được thống nhất là:

(i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn như: xây dựng thông điệp cảnh báo, tuyên truyền, tập huấn về biện pháp phòng chống NĐTP do rượu, không lạm dụng rượu, không sử dụng rượu theo kinh nghiệm dân gian, rượu giá rẻ, rượu không bảo đảm an toàn. Chú trọng đối tượng truyền thông phù hợp với vùng miền.

(ii) Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn thông qua các hoạt động liên ngành của các địa phương; tập trung kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, hộ gia đình, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; xây dựng mô hình ký cam kết giữa các hộ kinh doanh rượu với chính quyền địa phương trong việc kinh doanh rượu có nguồn gốc; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin.

(iii) Nâng cao năng lực kiểm soát an toàn đối với rượu trên địa bàn; xây dựng và duy trì hệ thống quản lý, giám sát và phòng chống NĐTP do rượu như: đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn ở các cấp trong phòng chống NĐTP do rượu, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa; trang bị test kit phát hiện độc tố, thuốc đặc trị, phác đồ xử lý ca bệnh, kinh phí hoạt động.

(iiii) Tăng cường phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội trong việc giám sát sản xuất, kinh doanh rượu an toàn, phòng chống lạm dụng rượu, ngộ độc do rượu.

Phòng QLNĐTP

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top