Cần quy định chặt chẽ nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế

Ngày đăng: 22/05/2013 - Lượt xem: 3059

Như chúng ta đã biết quảng cáo là việc giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến công chúng, tuy nhiên hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế là loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng. Trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng quảng cáo gian dối trong khám chữa bệnh, mỹ phẩm và đặc biệt là thực phẩm chức năng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tiền bạc, sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Trần Quang Trung – Cục trưởng (CT) Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

- Thưa Cục trưởng, Cục trưởng có thể cho biết tác hại của việc quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế?
 

CT Trần Quang Trung: Như chúng ta đã biết quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện để giới thiệu đến công chúng hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế như thuốc, mỹ phẩm, vaccine, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng và các dịch vụ như khám bệnh, chữa bệnh, giải phẫu thẩm mỹ… là những loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, nó khác với hàng hóa thông thường như quần áo, bàn ghế, vận chuyển… Vì các loại hàng hóa, dịch vụ thông thường nếu quảng cáo gian dối, người dùng chỉ có thể thiệt hại về kinh tế còn hàng hóa dịch vụ trong lĩnh vực y tế nếu quảng cáo gian dối người sử dụng không những thiệt hại về kinh tế mà có thể còn thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng. Thực tế đã có những trường hợp quảng cáo gian dối như phòng khám đông y nước ngoài dẫn đến chết người hoặc quảng cáo vòng đeo tay chữa huyết áp, đáng lẽ người cao huyết áp phải uống thuốc hàng ngày nhưng vì tin vào quảng cáo đeo vòng có thể giảm huyết áp nên đã ngưng sử dụng thuốc dẫn đến bị đột quỵ hay quảng cáo thực phẩm chức năng chữa ung thư, HIV… Đáng lẽ người bị ung thư nếu phát hiện sớm cần phẫu thuật, xạ trị nhưng vì lừa dối là chỉ cần uống thực phẩm chức năng nên không phẫu thuật dẫn đến khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, quay sang phẫu thuật thì bệnh đã quá muộn.

 
- Vậy hiện nay chúng ta đang quản lý việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế như thế nào?
 

CT Trần Quang Trung: Trước hết về hành lang pháp lý, chúng ta có các văn bản pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm; Luật An toàn thực phẩm; các nghị định hướng dẫn các luật này và các thông tư hướng dẫn các nghị định đều quy định phải thẩm định nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế trước khi quảng cáo đến công chúng để chống việc quảng cáo quá mức, quảng cáo gian dối gây thiệt hại cho sức khỏe con người.
 
- Như vậy việc quản lý nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế đã được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội và Chính phủ. Vậy thưa Cục trưởng tại sao lại vẫn có tình trạng quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế xảy ra? Và làm sao chúng ta có thể ngăn chặn tình trạng này?
 
CT Trần Quang Trung: Đúng là trong thời gian qua tình trạng quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế vẫn xảy ra và theo tôi là do một số nguyên nhân sau:
 
Thứ nhất, do người có dịch vụ và hàng hóa luôn mong muốn bán được nhiều sản phẩm nên thường nói vống về khả năng và tác dụng sản phẩm của mình nên đã quảng cáo chui, quảng cáo không xin phép, quảng cáo sai sự thật. Thứ hai, việc xử lý của các cơ quan chức năng có lúc còn chưa triệt để. Thứ ba, các cơ quan phát hành quảng cáo (một số nhà in, nhà xuất bản, một số trang mạng) theo quy định là chỉ được quảng cáo, in ấn các nội dung đã được thẩm định của cơ quan chuyên môn, tuy nhiên vì nhiều lý do mà vẫn còn rất nhiều ấn phẩm quảng cáo, nhiều trang mạng vẫn quảng cáo cho những dịch vụ, hàng hóa chưa có sự thẩm định nội dung của cơ quan y tế.

Để hạn chế tình trạng trên, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan thanh tra trong lĩnh vực y tế xử lý nghiêm, nêu tên các sản phẩm vi phạm trên báo chí, rút giấy phép lưu hành sản phẩm,…Tuy nhiên, các phương tiện quảng cáo lại không thuộc ngành y tế quản lý, do vậy chúng tôi rất cần sự cộng tác của các cơ quan quản lý, các phương tiện quảng cáo, cụ thể là chỉ tiến hành quảng cáo cho những sản phẩm, dịch vụ đã được kiểm tra nội dung của cơ quan chuyên môn.
 
- Vừa qua Quốc hội thông qua Luật Quảng cáo, có ý kiến cho rằng Luật Quảng cáo ra đời sau các luật chuyên ngành, do vậy Luật Quảng cáo có thể phủ định việc thẩm định nội dung quảng cáo của các Luật chuyên ngành. Vậy quan điểm của Cục trưởng về vấn đề này như thế nào?

 
CT Trần Quang Trung: Theo tôi, hiểu như thế là không chính xác vì theo Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ nếu hai Luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật ban hành sau, nhưng ở đây Luật Quảng cáo chỉ quy định về điều kiện quảng cáo (Điều 20), còn Điều 19 Luật Quảng cáo giao Chính phủ quy định về nội dung quảng cáo, trong khi các luật chuyên ngành, trong đó có Luật An toàn thực phẩm, Điều 43: “Quảng cáo thực phẩm” quy định:
 
1. Việc quảng cáo thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
 
2. Trước khi đăng ký quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm cần quảng cáo phải gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xác nhận nội dung quảng cáo.
 
3. Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận. 
 
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể loại thực phẩm phải đăng ký quảng cáo, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý”.
 
Như vậy, rõ ràng đã có sự hiểu lẫn lộn giữa điều kiện quảng cáo và nội dung quảng cáo. Hơn nữa cũng chính Luật Quảng cáo chỉ quy định bãi bỏ Pháp lệnh quảng cáo, do vậy theo Điều 9 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì lại càng không thể nói Luật Quảng cáo đã phủ định việc xác nhận nội dung quảng cáo của các luật chuyên ngành về y tế.
 
- Được biết hiện nay Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo, tuy nhiên còn có ý nhiều ý kiến khác nhau về việc có quy định phải xác nhận nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế hay không để cải cách thủ tục hành chính và có thể thay thế từ tiền kiểm bằng hậu kiểm… Cục trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
 
CT Trần Quang Trung: Trước hết lấy lý do của việc cải cách thủ tục hành chính là không đúng vì chúng ta biết quản lý xã hội là quản lý bằng pháp luật có những quy định ta bỏ nhưng có những quy định chúng ta cần giữ thậm chí có những quy định chúng ta cần ban hành mới riêng việc xác nhận nội dung quảng cáo các luật chuyên ngành vừa ban hành 2010, Nghị định vừa ban hành 2012 thì đây không phải là quy định mới. Chúng ta biết là biểu diễn văn nghệ, lắp 1 biển quảng cáo ở ngoài trời… mà vẫn phải xin phép các cơ quan của ngành văn hóa thì việc thẩm định nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế không thể lấy lý do cải cách thủ tục hành chính để bỏ được. Còn việc lấy lý do chỉ cần hậu kiểm thay cho việc tiền kiểm là hoàn toàn không ổn vì chúng ta đều biết rằng hậu kiểm khi phát hiện được quảng cáo gian dối thì hậu quả đã xảy ra rồi vậy lúc đó chỉ còn mỗi việc là đi giải quyết hậu quả mà thôi.
 
Hiện Chính phủ đang xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị cần bổ sung việc xác nhận nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế vào dự thảo Nghị định, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Khoa học Kỹ thuật ATTP, Hội giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Về các vấn đề xã hội… đều có văn bản và ý kiến đề nghị cần phải thẩm định nội dung quảng cáo đối với lĩnh vực y tế vào dự thảo Nghị định, 17/26 thành viên Chính phủ đề nghị cần xác nhận nội dung quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trước khi quảng cáo, đồng thời tại công văn số 9768/ VPCP-KGVX ngày 29/11/2012 Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến chỉ đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng bổ sung yêu cầu thẩm định nội dung quảng cáo các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ, ngành liên quan trước khi quảng cáo, đồng thời quy định thời hạn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thẩm định.

 

Tuy nhiên vẫn có ý kiến đề nghị bỏ xác nhận nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Tôi thật sự không hiểu như vậy thì chúng ta vì quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của ai. Theo chúng tôi việc xác nhận nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế trước khi tiến hành quảng cáo vừa phù hợp với yêu cầu quản lý và đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật.

 
- Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Nguồn: Hải Như -daibieunhandan.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top