Phó Thủ tướng: VSATTP cần nhiều dự án thiết thực, cụ thể

Ngày đăng: 24/06/2015 - Lượt xem: 3797

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở Việt Nam rất được quan tâm khi vấn đề này không chỉ liên quan đến sức khỏe của 80% người tiêu dùng đang mua, sử dụng thực phẩm ở chợ hay sinh kế của hàng triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm mà đó còn là chất lượng của giống nòi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế về vấn đề đảm bảo VSATTP ở Việt Nam, chiều 24/6. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Làm việc với đại diện các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, chiều 24/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi rất cụ thể về những đặc thù trong hoạt động quản lý VSATTP tại Việt Nam cũng như các lĩnh vực cần sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế.

Máy lọc nước và hai luống rau

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), những năm gần đây vấn đề an toàn thực phẩm được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Chính vì vậy đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Trong đó mục tiêu đến năm 2015 là 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý, 79% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% địa phương hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, 100% siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm, 50% chợ được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát)…

Chia sẻ câu chuyện nhiều gia đình trung lưu ở Việt Nam đã có máy lọc nước riêng và thường mua rau tại cửa hàng rau sạch, siêu thị hay nhờ người thân ở quê để có nguồn rau, thịt sạch, Phó Thủ tướng cho biết hiện còn tới 80% thực phẩm được mua bán tại các chợ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát đầy đủ về VSATTP. Đáng chú ý nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm hiện đến từ khoảng 9 triệu hộ nông dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và ý thức trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng.

“Cá nhân tôi đã trực tiếp đi xem ngay ở ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận, người nông dân ở quê có 2 luống rau, luống để ăn và luống để bán. Luống để ăn thì rau xấu hơn, luống để bán thì xanh tốt hơn. Tất nhiên không phải tất cả nhưng không hiếm gặp”, Phó Thủ tướng nói.

Câu chuyện thứ hai được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên là thực tế nông sản, thực phẩm sản xuất trên quy mô lớn để xuất khẩu hay cung cấp cho hệ thống các siêu thị thường được đảm bảo về chất lượng, ATTP và có chấn chỉnh ngay nếu có vấn đề còn thực phẩm bán ngoài chợ không được đảm bảo như vậy.

Vì vậy, ngoài việc giải quyết những vấn đề ATTP mà các nước khác cũng gặp phải như chênh lệch về chất lượng giữa hàng bán ngoài chợ và hàng bán trong siêu thị; kiểm soát việc nhập lậu các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng; dư lượng chất cấm trong nông sản, thực phẩm… thì tổ chức sản xuất, phân phối 80% nông sản, thực phẩm tại các chợ là một câu chuyện lớn ở Việt Nam.

“Tôi muốn nói khác biệt đó để chúng ta tập trung hành động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Xóa mù khoa học-công nghệ cho nông dân

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện người nông dân sản xuất dựa vào hướng dẫn từ hệ thống các trung tâm khuyến nông, bảo vệ thực vật, hay các công ty bán phân bón, bán thuốc BVTV nhưng phần nhiều là truyền miệng, rỉ tai nhau.

“Thấy ông hàng xóm bón thuốc này tốt thì mình cũng bón. Cẩn thận thì ông ý bón một, mình bón thêm một tí. Có mấy người nông dân được hỗ trợ trực tiếp về kiến thức canh tác, trồng trọt, chăn nuôi từ các dự án quốc tế. Trong số 9 triệu hộ nông dân thì số đấy rất ít, chủ yếu bà con nghe truyền miệng nhau”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Để thay đổi thói quen nhằm sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn, người nông dân phải được trang bị kiến thức khoa học công nghệ phổ quát, dễ hiểu, thực tế, đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật ở cơ sở.

Đối với công tác đảm bảo ATTP ở khâu phân phối, Phó Thủ tướng khẳng định: Về dài hạn cần phát triển nhanh hệ thống phân phối theo chuỗi siêu thị mà kéo theo đó là tổ chức mạng lưới các hộ nông dân cung cấp thực phẩm tươi, sạch. Trong thời gian trước mắt cần tiếp tục triển khai đặt máy xét nghiệm ATTP lưu động tại chợ để người mua hàng khi nghi ngờ về chất lượng thực phẩm có thể kiểm tra ngay. Nếu thực phẩm không sạch thì chưa cần phải xử phạt hay làm gì khác, người dân cũng sẽ tẩy chay người bán thực phẩm bẩn. Và khi người ta không mua thì lập tức những người bán phải bảo ngay người giao hàng là không mua. Chuyện hai luống rau cũng không còn nữa.

“Tôi cho rằng đây là lĩnh vực các cơ quan, các tổ chức, nhà tài trợ có thể làm sâu với những dự án rất cụ thể. Nhân đây tôi cũng đề nghị các bạn đưa chuyên gia về ATTP tới đây nói cho chúng tôi nghe tốt hơn là tài trợ để đi nghiên cứu thực tiễn ở nước ngoài; đừng tài trợ để mua ô tô mà dành tiền cho những dự án thiết thực, không cần lớn nhưng tập trung vào một số khâu cụ thể để tạo chuyển biến trong công tác VSATTP”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các Bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương phải rà soát lại toàn bộ hệ thống trung tâm, phòng thí nghiệm kiểm định VSATTP trên tinh thần kết hợp với cơ sở nghiên cứu khoa học trước khi đề xuất nâng cấp, tăng cường năng lực cho các trung tâm này.

Đồng tình với các ý kiến của Phó Thủ tướng, đại diện các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện các các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi liên quan đến VSATTP...

Nguồn: Chinhphu.vn

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top