THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để tăng cường công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế để giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi cả nước.
Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, kinh phí hoạt động do Ngân sách Nhà nước cấp. Trụ sở của Cục đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:
1. Soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để giúp Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Xây dựng hoặc tham gia xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm, các quy trình, quy phạm kỹ thuật bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc góp ý kiến với cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật, nghiệp vụ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Xây dựng danh mục các thực phẩm phải đăng ký chất lượng để Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và tổ chức thực hiện việc đăng ký chất lượng thực phẩm.
Cấp, thu hồi giấy đăng ký chất lượng và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo thẩm quyền đối với thực phẩm sản xuất trong nước, bao gồm cả thực phẩm qua sản xuất công nghiệp.
4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổ chức kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
5. Tham gia, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc phòng, chống sản xuất, lưu thông thực phẩm không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Phối hợp với các tổ chức liên quan của Bộ Văn hóa - Thông tin trong việc quản lý thông tin quảng cáo đối với thực phẩm dùng cho trẻ em, người bệnh, người già, phụ nữ có thai và những thực phẩm cần được quản lý đặc biệt; tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Thực hiện hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo phân công của Bộ Y tế.
8. Quản lý tổ chức, công chức, tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 3. Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm.
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế về toàn bộ hoạt động của Cục. Các Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về các nhiệm vụ được phân công.
Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm quy định cụ thể nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sau khi có sự thỏa thuận của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
Điều 4. Nhiệm vụ quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương do Sở Y tế thực hiện.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Bình luận