Đ/c Nguyễn Văn Trân, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP và cán bộ Chi cục đến thăm hỏi, động viên bệnh nhân ngộ độc tại BVĐK tỉnh
Cụ thể: Theo lời kể của ông Sùng Mí Sính 31 tuổi, trú tại thôn Nà Pinh, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, là người nhà của 8 trường hợp nghi do ăn nấm là Sùng Thị Pà 6 tuổi, Sùng Thị Liên 5 tuổi, Sùng Thị Ánh Mai 4 tuổi, Giàng Thị Minh 7 tuổi, Sùng A Thắng 22 tháng tuổi, Giàng Thị Lía 42 tháng tuổi, Giàng Thị Xia 5 tuổi, Sùng Sính Ná 60 tuổi.
Vào khoảng 12 giờ ngày 11/5/2024, 4 cháu nhỏ rủ nhau ra nương chơi, thấy có ít nấm màu trắng, hình tán ô mọc ở đất cạnh cây ngô nên 4 cháu đã hái 3 cây nấm đem về cho ông nội là Sùng Mí Ná 60 tuổi, để nấu canh ăn lúc 14 giờ cùng ngày. Bữa ăn gồm có 8 người ăn, thức ăn chỉ có canh nấm nấu với rau ngót và cơm ngô. Sau ăn khoảng 2 giờ 4 cháu nhỏ là Sùng Thị Pà 6 tuổi, Sùng Thị Liên 5 tuổi, Sùng Thị Ánh Mai 4 tuổi, Giàng Thị Minh 7 tuổi, có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều lần, kèm theo đau bụng, đau đầu, chóng mặt. Thấy vậy ông Sùng Mí Sính là chú ruột của 4 cháu nhỏ đã đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc cấp cứu và điều trị lúc 19 giờ 30 phút trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau đó được chuyển tuyến về Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp tục điều trị lúc 21 giờ 20 phút cùng ngày. 4 trường hợp còn lại là Sùng A Thắng 22 tháng tuổi, Giàng Thị Lía 42 tháng tuổi, Giàng Thị Xia 5 tuổi, Sùng Sính Ná 60 tuổi, ngay trong đêm 11/5/2024 đồng thời chuyển về Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh lúc 9 giờ 30 phút ngày 12/5/2024. Hiện tại, cả 8 trường hợp nghi ngộ độc do ăn nấm dại đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh, các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn bình thường, tiên lượng tốt.
Ngay sau khi nhận được thông tin ngộ độc xảy ra Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc đã cử cán bộ đến truyền thông trực tiếp tại Trường học và cho bà con về cách phòng tránh ngộ độc do ăn nấm.
Tuyên truyền cho các em học sinh và bà con về cách phòng tránh ngộ độc nấm
Vào mùa mưa, là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại nấm. Do đó, các loại nấm có thể xuất hiện nhiều hơn trong môi trường tự nhiên, tăng nguy cơ cho người dân khi thu thập và sử dụng nấm mà không biết chúng có độc hay không. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc do nấm độc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hướng dẫn cách phân biệt các loại nấm và cách phòng tránh khi có triệu trứng ngộ độc xảy ra:
1. Cách phòng tránh ngộ độc nấm:
- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kế cả nấm mầu trắng.
- Không ăn thử nâm, dứt khoát không ăn nấm khi còn nghi ngờ (đặc biệt, tất cả các hình thức thử độc tố của Nấm trước khi ăn trong dân gian đều không đúng).
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết cây nấm nên khó nhận dạng nấm độc.
- Nấm tươi tự trồng ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới sẽ gây ngộ độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Nấm mọc vườn ngô nơi các cháu nhỏ đã hái về ăn
2. Cách xử trí khi bị ngộ độc:
- Sau khi ăn nấm nếu thấy khó chịu, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, đau bụng, nhìn không rõ phải báo ngay với người nhà và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất (nếu tự đi được).
- Khi phát hiện người nghi là bị ngộ độc do ăn nấm phải bình tĩnh, nhanh chóng tìm mọi cách làm cho bệnh nhân nôn ra hết thức ăn như: móc họng, lấy lông gà rửa sạch ngoáy họng, cho uống thật nhiều nước đến khi nôn ra nước trong, sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị.
- Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất.
- Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm và gửi đi xét nghiệm./.
Chi cục ATVSTP Hà Giang
Bình luận