An Giang: Phát động vận hành mô hình quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo và rau, củ, quả

Ngày đăng: 21/12/2018 - Lượt xem: 16310

Ngày 4-12, Sở Công thương tổ chức hội nghị phát động vận hành mô hình quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo và rau, củ, quả. Đây là giải pháp đột phá của tỉnh, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung cấp thịt heo và rau, củ, quả an toàn, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sản phẩm nguồn gốc rõ ràng

Thực hiện dự án xây dựng mô hình nhận diện và truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở  Công thương phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thiết lập, xây dựng mô hình. Chỉ cần quét mã QRcode trên ứng dụng zalo, messenger facebook hoặc tích hợp sẵn trên máy ảnh của smartphone (điện thoại thông minh), người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc rau, củ, quả được trồng ở đâu, sản xuất nơi nào, đến địa điểm kinh doanh, cùng các giấy tờ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn và bản đồ địa điểm sản xuất...

BS CKII Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng: “Việc quản lý nguồn gốc hết sức quan trọng trong điều kiện mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường hiện nay. Mong ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện mô hình. Đây là đường link dẫn chứng nhận nơi sản xuất an toàn, sản phẩm được kiểm soát, góp phần đưa sản phẩm đảm bảo an toàn từ sản xuất đến bàn ăn”.

Đối với dự án nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả, Sở Công thương đã khảo sát thực tế vùng trồng rau an toàn tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, Chợ Mới, Châu Thành. Đến nay hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh nhận được sự tham gia tích cực của 7 doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp tác. Tổng diện tích tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả đến nay là 139,7ha (129ha xoài). Trung bình các đơn vị, cơ sở mỗi ngày thu hoạch và bán sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc khoảng 370kg rau các loại và trên 500kg hoa quả các loại.

Giám đốc Hợp tác xã nông sản an toàn Kiến An (Chợ Mới) cho biết: “Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Kiến An tiêu thụ tại Siêu thị Mega, sau khi dán tem được người tiêu dùng rất thích với việc việc quét mã QRcode truy xuất nguồn gốc”.

Nhân rộng mô hình

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, trước mắt, dự án tập trung xây dựng tại 7 doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn, là những địa điểm tiên phong trong nỗ lực triển khai dự án xây dựng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả được UBND tỉnh phê duyệt.

An Giang là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả và được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cơ sở, doanh nghiệp, hộ sản xuất do những tiện ích của nó mang lại. Sở Công thương cho biết, mô hình đã ứng dụng công nghệ QRcode, tem điện tử và hệ thống phần mềm quản lý để nhận diện và quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm rau, củ, quả, từ khâu gieo trồng, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, đến địa điểm kinh doanh... Toàn bộ thông tin này sẽ được truyền về máy chủ vận hành.

Như vậy, toàn bộ quá trình sản xuất - kinh doanh đều được kiểm tra và giám sát. Chỉ với thao tác đơn giản trên smartphone, người dùng có thể quét mã QRcode để có được đầy đủ thông tin về rau, củ, quả. Điều các cơ sở, doanh nghiệp quan tâm, liệu việc thực hiện truy xuất nguồn gốc có tăng chi phí và giá sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi khẳng định: “Không làm tăng giá sản phẩm, bởi toàn bộ quy trình từ triển khai phần mềm hệ thống, vận hành đến tập huấn kỹ thuật, kể cả in tem dán lên từng sản phẩm đều được Nhà nước hỗ trợ 100%”.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi nhấn mạnh: “Mô hình này giúp người tiêu dùng nhận biết và kiểm tra các thông tin về nguồn gốc trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật và xác định cửa hàng có trách nhiệm kinh doanh. Đây là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng, là động lực để cơ sở, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm ngành hàng rau, củ, quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đây còn là dịp quan trọng để đánh giá thuận lợi, khó khăn để tiếp tục phát triển xây dựng thêm nhiều cửa hàng có truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới, phục vụ người dân tốt hơn”.

Sau triển khai thí điểm, Sở Công thương tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương và các nhà chăn nuôi, trồng trọt, vận chuyển, nơi giết mổ, điểm kinh doanh để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả việc nhân rộng toàn tỉnh vận hành mô hình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo và rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh An Giang với phương châm “Vì an toàn thực phẩm”, “Chung tay vì sức khỏe người tiêu dùng”.

                                                                                                  Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh An Giang

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,371,306
Trong tháng
403,256
Hôm nay
55,581
Đang Online
630