Ngày 13/4/2021 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 với chủ đề: “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị
Tham dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, các đồng chí trong chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh, đại diện UNND các huyện/thị xã/thành phố, lãnh đạo Ban quản lý ATTP tỉnh, đại diện 1 số doanh nghiệp sản xuất , kinh doanh trên địa bàn.
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Y tế có sự tham dự của đồng chí Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.
Đồng chí Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 là: “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, tỉnh Bắc Ninh cần triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 với các mục tiêu:
1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các địa phương luôn sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).
3. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Tháng hành động vì ATTP đã được Chính phủ phát động từ năm 1999 đến nay đã trải qua 22 năm thực hiện công tác truyền thông và kiểm tra về ATTP. Năm 2021, Bắc Ninh là 1 trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động vì ATTP trong tình hình mới. Cục An toàn thực phẩm đánh giá rất cao công tác đảm bảo ATTP tại Bắc Ninh – 1 trong 3 tỉnh thí điểm Ban Quản lý ATTP. Để tiếp tục triển khai tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, bên cạnh việc nỗ lực quyết liệt của cơ quan quản lý chuyên ngành, Ban chỉ đạo liên ngành TW về ATTP đề nghị các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng, các cơ quan báo chí truyền thông và các tổ chức quốc tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cần tích cực phối hợp, hỗ trợ cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và các hoạt động của Tháng hành động để đem lại những kết quả thiết thực góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn và kêu gọi các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh hãy nêu cao tinh thần tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức nghề nghiệp để chúng ta tiến tới 1 tỉnh tiêu biểu của cả nước về ATTP.
Ban chỉ đạo Liên ngành TW về ATTP có một số ý kiến lưu ý đề nghị các đồng chí Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý ATTP tỉnh và các Sở ban ngành tỉnh tập trung vào các việc sau:
1. Lưu ý về việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt hình thức kinh doanh online: đây là hình thức kinh doanh ngày càng phổ biến đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid 19 vì vậy các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được thay đổi để phù hợp
2. Phương thức quảng cáo thực phẩm đã dần thay đổi từ quảng cáo trên các phương tiện chính thống, truyền hình, báo đài sang quảng cáo qua mạng xã hội với đặc điểm rẻ, nhanh và khó kiểm soát. Vì vậy cách thức quản lý, xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm cũng cần thay đổi;
3. Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức cũng cần chuyển đổi và áp dụng nhiều hình thức khác nhau cho phù hợp với các nhóm đối tượng.
VFA
Bình luận