Bình Định: Tổ chức Hội nghị đánh giá công tác ATTP 05 tháng đầu năm 2024 và triển khai công tác phòng ngừa, xử lý NĐTP trong tình hình hiện nay

Ngày đăng: 30/05/2024 - Lượt xem: 362

Ngày 28/5/2024, đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm 5 tháng đầu năm 2024 và triển khai công tác phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trong tình hình hiện nay. Tham dự trực tiếp Hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành, hội đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm và Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo; tham dự trực tuyến có lãnh đạo UBND các huyện thị xã thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan thông tin, báo chí.

Ông Lâm hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị

Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hội nghị đã nghe ông Lê Văn An, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm báo cáo kết quả thực hiện công tác an toàn thực phẩm 5 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới. Cụ thể trong 5 tháng đầu năm 2024, các Sở, ngành, hội đoàn thể và UBND các cấp đã phối hợp đồng bộ nên các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm ở các địa phương trong tỉnh đạt được kết quả cao, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã ý thức được tầm quan trọng về an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của cộng đồng; người tiêu dùng đã chú trọng quan tâm hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn, góp phần hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, vẫn còn tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông lâm thủy sản rất đa dạng, khá nhỏ lẻ; quy mô sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, hộ gia đình, sản xuất kinh doanh theo mùa vụ… nên công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản sử dụng chất phụ gia trong danh mục cho phép nhưng dùng nhiều loại phụ gia có cùng công dụng, chưa định lượng, phối trộn đúng cách, chưa chấp hành đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn dẫn đến vượt ngưỡng cho phép. Việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm đối với cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố của UBND cấp xã chưa nghiêm, hình thức chủ yếu là nhắc nhở nên chưa tạo được ý thức chấp hành pháp luật của loại hình cơ sở này. Hiện nay, loại hình buôn bán hàng hóa thông qua hoạt động thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến nên nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác thu thập thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm, đối tượng vi phạm để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, Hội nghị được nghe các báo cáo tham luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị và các giải trình, giải đáp của thành viên Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm. 

Ông Lê Văn An, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị, Đồng chí Lâm Hải Giang nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trong tình hình hiện nay, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; trước mắt tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 21/5/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, hội đoàn thể liên quan tập trung tăng cường triển khai công tác tuyên truyền về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm răn đe, tạo ý thức tự thay đổi hành vi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; bên cạnh đó cần nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; đồng thời cần phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, bám sát kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, triển khai các nội dung hoạt động sát với thực tiễn địa phương trong thời gian tới.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Định

Bình luận

Tin cùng mục

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top