Mỗi năm, Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 35.000 tấn thịt (Nguồn gia súc gia cầm nhập vào thành phố để giết mổ chủ yếu từ các tỉnh: Bình Định (70%), Quảng Ngãi (15%), Quảng Nam (10%), Phú Yên,.... và thịt nhập khẩu từ nước ngoài ước tính khoảng 10.000 tấn/năm (từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Braxin,..). và khoảng 140.000 tấn rau củ quả các loại, trong đó lượng rau do thành phố tự sản xuất khoảng 9.000 tấn, còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu khoảng 131.000 tấn; Như vậy Đà Nẵng là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp sản phẩm nông sản an toàn tìm kiếm thị trường.
Trong năm 2016 - 2018, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức ký kết cung ứng nông sản an toàn với 6 tỉnh là các địa phương có cung ứng sản lượng lớn các sản phẩm rau, trái cây và thịt cho thành phố; xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 09 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Với 40 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, phân phối nông sản đến từ các tỉnh tham gia diễn đàn (Đăk Lăk: 10, Quảng Nam: 10, Đà Nẵng: 20), đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất của 2 tỉnh Quảng Nam, Đăk Lăk giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố Đà Nẵng các sản phẩm thực phẩm an toàn, sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn Vietgap, global gap.
Sản phảm của các doanh nghiệp đến từ Đăk Lăk bao gồm: Tiêu hạt; Cà phê rang xay, cà phê nhân xô; Hạt Macca, tinh dầu Macca; trà thảo mộc, gạo thảo dược; trái cây đông lạnh, quả bơ tươi; rau, củ, trái cây tươi; thịt heo và sản phẩm từ thịt heo. Sản phẩm của các doanh nghiệp đến từ Quảng Nam: Gà tươi; dầu phụng ép nguyên chất; bánh tráng, gạo an toàn; rau củ tươi; nước mắm truyền thống.
Qua Hội nghị và gặp gỡ trực tiếp, các doanh nghiệp phân phối tại Đà Nẵng rất phấn khởi vì có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu và tin tưởng trong vấn đề lựa chọn sản phẩm trong phân phối. Các Doanh nghiệp vẫn còn một số khó khăn như: sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (Vietgap, Global gap) thì giá thành đội lên cao, nhưng giá chung của thị trường còn thấp nên doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhiều; vấn đề vận chuyển sản phẩm từ các tỉnh về Đà Nẵng chưa đáp ứng được việc bảo quản sản phẩm do sản phẩm chủ yếu là gửi xe hàng, xe khách không đủ điều kiện bảo quản cũng như điều kiện tập kết sản phẩm từ các xe vận chuyển về đến nhà phân phối.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất vẫn còn thiếu về nguồn vốn đầu tư, marketing và truyền thông giới thiệu sản phẩm; Doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ vốn từ các nhà phân phối như đầu tư sản xuất, chi phí kiểm nghiệm và quảng bá truyền thông.
Hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ toàn bộ chi phí thẩm định hồ sơ và cơ sở kinh doanh tham gia xác nhận chuỗi cũng như toàn bộ chi phí kiểm nghiệm mẫu sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp địa phương về thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn tiên tiến, tiêu chuẩn VietGAP, mô hình kết nối theo chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm của tỉnh; đồng thời đề nghị Ban quản lý An toàn thực phẩm nhanh chóng thực hiện ký kết chương trình hành động ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm giữa tỉnh Đăk Lăk và thành phố Đà Nẵng nhằm tăng cường phối hợp quản lý về ATTP giữa hai địa phương và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Ban Quản lý ATTP ghi nhận những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp; cam kết cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và các tỉnh bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi để xúc tiến thành lập các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ các tỉnh bạn đến Đà Nẵng./.
Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng
Bình luận