Đồng Tháp - Hội nghị trực tuyến tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn

Ngày đăng: 09/05/2016 - Lượt xem: 8656

Thực hiện công văn 233/VPUBND-HC của UBND tỉnh Đồng Tháp, sáng ngày 05/5/2016 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến giữa 13 điểm cầu truyền hình trực tiếp giữa: 1 điểm cầu chính của tỉnh tại Văn phòng UBND tỉnh kết nối với 12 điểm cầu vệ tinh đặt tại Văn phòng UBND của 12 huyện/thị/thành trực thuộc tỉnh. Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì Hội nghị.

Hội nghị trực tuyến được triển khai với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính,  Sở Nội vụ,  Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá  -  Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Chi cục Thú Y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tuyến huyện và tuyến xã.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Văn phòng UBND tỉnh báo cáo tổng hợp tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm. Tiếp theo là báo cáo chi tiết của các sở, ngành liên quan: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an tỉnh. Một số thông tin đáng chú ý, nêu bật tình hình chung về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh như sau:

Toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 15.500 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý gần 10.800 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý gần 1.400 cơ sở, ngành Công Thương quản lý hơn 3.300 cơ sở. Về nhân lực, tổng số cán bộ thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là 338 người. Trong đó có 219 cán bộ ngành Y, 30 cán bộ ngành Nông nghiệp và 89 cán bộ ngành Công Thương.

Về công tác quản lý, tính đến hết năm 2015, ngành Công Thương đã tổ chức thẩm định, cấp 388 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc ngành quản lý; ngành Y tế cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy và xác nhận phù hợp quy định ATTP cho 1.649 sản phẩm; ngành NNPTNT chứng nhận vùng đủ điều kiện ATTP cho 2 vùng sản xuất rau an toàn. Qua kiểm tra, trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và trên 87% bếp ăn tập thể được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 100% siêu thị được kiểm soát ATTP, trên 17% chợ quy hoạch và kiểm soát ATTP. Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn.

Như vậy, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, có thể kể đến như sau: (1) Văn bản hướng dẫn của các Bộ chậm ban hành, thiếu đồng bộ, một số văn bản không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; (2) Khâu tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế, một số Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP của địa phương hoạt động chưa hiệu quả; (3) Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, công tác kiểm tra chưa kịp thời; thiếu trang thiết bị để thu và kiểm định mẫu thực phẩm; (4) Hầu hết các đơn vị gặp khó khăn về kinh phí như kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn; (5) Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm; (6) Lực lượng làm công tác ATTP chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ; (7) Công tác truyền thông được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, chưa hỗ trợ nhiều cho người tiêu dùng trong việc phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn; chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Trên cơ sở những hạn chế nêu trên, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất một số giải pháp, cụ thể là: (1) Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương. Phải xác định đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác này; (2) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về ATTP và các cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm; (3) Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm; (4) Bố trí kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là kinh phí cho kiểm nghiệm, xử lý tiêu huỷ thực phẩm không an toàn; (5) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ ATTP cho tuyến cơ sở; (6) Phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Dương đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP. Ông đã trực tiếp chỉ đạo Tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2016 tại tỉnh Đồng Tháp sẽ được kéo dài thêm một tháng từ 15/5/2016-15/6/2016 với chủ đề mở rộng hơn: “Tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn; Bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh, sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Giao BCĐ liên ngành về VSATTP lập kế hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện.

Thông qua Hội nghị, các cấp chính quyền và các ngành chức năng đã nắm rõ tình hình thực tế, thống nhất cao trong việc chấp hành các giải pháp khắc phục hạn chế và đề ra các chương trình hành động cụ thể cho từng ngành, từng cấp quản lý nhằm đảm bảo ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội địa phương bền vững trong thời gian tới.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top