Hà Nội: Hướng người dân vào “vùng an toàn” thực phẩm

Ngày đăng: 02/01/2019 - Lượt xem: 11348

TP Hà Nội - nơi tập trung đông đúc cư dân, an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề “nóng”. Nhiều năm qua, công tác này đã có những chuyển biến tốt lên rõ rệt, với các biện pháp quản lý tích cực của cơ quan chức năng, sự nâng cao ý thức của người tiêu dùng... Song, công việc có tầm quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân trước mắt vẫn còn những bộn bề khó khăn.

Chỉ đạo quyết liệt và cách làm mới
Xác định rõ vấn đề đảm bảo ATTP ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và sự phát triển của TP, hàng loạt chương trình, kế hoạch, đề án về ATTP đã được TP Hà Nội đặt ra và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thủ đô. Từ kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030, tổ chức phong trào thi đua ATTP trên toàn địa bàn TP, tháng hành động vì ATTP cho đến các đề án về mô hình điểm thức ăn đường phố, ATTP bếp ăn tập thế, bữa ăn tập thể an toàn…, tất cả đều được triển khai đồng bộ từ cấp TP đến xã, phường, thị trấn có sự kiểm tra, giám sát và đánh giá của các đoàn thanh, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất. 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cùng đoàn liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại siêu thị Big C Hà Đông
Đặc biệt, Hà Nội đã thành lập riêng Ban Chỉ đạo ATTP cấp TP, trực tiếp Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Tại các cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn, ban chỉ đạo do đích thân Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng ban và trực tiếp đi kiểm tra ATTP trên địa bàn. Đồng thời, kể từ khi Hà Nội trao quyền thanh tra chuyên ngành ATTP đến tận cấp xã, phường, thị trấn, vấn đề vốn luôn “nóng” này đã phần nào được người dân thêm tin tưởng.
Nguồn thực phẩm sản xuất tại Thủ đô chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sử dụng của người dân. Do vậy, nhiều năm nay, Hà Nội đã chủ động liên kết với các tỉnh, thành lận cận hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ thực phẩm ATTP cho người dân. Từ cách đây 3 năm, Hà Nội đã triển khai mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi, như chuỗi sản phẩm rau xanh (tại các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Sơn La), chuỗi sản phẩm gà Dabaco (Bắc Ninh), chuỗi sản phẩm chè đen Tân Cương Hoàng Bình (Thái Nguyên). Hà Nội duy trì phối hợp cam kết với 18 tỉnh lân cận để kiểm soát nguồn thực phẩm về Thủ đô và đang nghiên cứu để tiếp tục ký kết với một số tỉnh miền Trung và miền Nam.
Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác ATTP luôn được TP chú trọng. Hàng năm, 30 quận, huyện đều được đầu tư kinh phí mua test xét nghiệm nhanh, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác ATTP. Từ năm 2017, TP đã đầu tư xe xét nghiệm nhanh chuyên dụng về ATTP. Năm 2017, với 3 xe kiểm nghiệm, cơ quan chức năng của Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm trên 1.100 mẫu, trong đó phát hiện 85 mẫu còn tồn dư hóa chất, chất cấm... Năm 2018, Hà Nội đầu từ thêm 2 xe nhằm mở rộng việc sàng lọc, hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một siêu thị ở Hà Nội
 
Hành động thực chất
Nhờ sự chỉ đạo sát sao, tại các quận, huyện, công tác đảm bảo ATTP đã đi vào thực tế. Như tại quận Thanh Xuân, UBND quận đã xây dựng đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về ATTP trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận, giai đoạn 2017 - 2020. Thực hiện đề án này, quận Thanh Xuân đã chọn tuyến phố Thượng Đình xây dựng thành tuyến phố kiểm soát ATTP, từ đó tạo sức lan tỏa. Đây là một thách thức không nhỏ, bởi phố Thượng Đình nằm ven sông Tô Lịch, trải dài qua địa bàn 6 phường khác nhau, có gần 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với lượng khách lớn. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến cho biết, đến nay, tất cả các cửa hàng ở tuyến phố đều bảo đảm 10 tiêu chí về ATTP, tất cả mẫu bát đũa khi xét nghiệm độ sạch đều đạt yêu cầu, khách hàng đến ngày càng đông hơn. Từ những thành công bước đầu của mô hình thí điểm, quận Thanh Xuân phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi phường sẽ có một, hai tuyến phố được kiểm soát về ATTP.
Tương tự, tại quận Hà Đông là địa phương tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, DN, trường học... số lượng bếp ăn tập thể phát triển tương đối nhanh. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường chia sẻ, để quản lý tốt công tác vệ sinh ATTP tại các bếp ăn tập thể, nhất là tại 103 bếp ăn trường học, quận đã phân loại để có giải pháp phối hợp hiệu quả. Cụ thể, quận yêu cầu tại các trường học phải có đại diện giám sát bếp ăn tập thể ngay từ nguồn thực phẩm nhập vào, lưu mẫu thực phẩm 24 giờ theo đúng quy trình. Với các trường học mới, quận yêu cầu đầu tư bếp ăn hiện đại và nhân sự chuyên nghiệp. Còn 209 bếp ăn nhỏ (dưới 50 suất ăn) sẽ do phường quản lý; các bếp không tự nấu phải có hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn bảo đảm uy tín, chất lượng. Quận Hà Đông còn trợ giá cho các đơn vị sử dụng thực phẩm an toàn của các hợp tác xã sản xuất, chế biến rau, củ, quả. UBND quận có trách nhiệm tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đột xuất để nhắc nhở, xử lý các vi phạm. Nhờ đó, tại quận Hà Đông nhiều năm qua chưa xảy ra ngộ độc ở các bếp ăn tập thể.
Công tác thanh, kiểm tra đã cho thấy việc đảm bảo ATTP không chỉ là khẩu hiệu. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, trung bình mỗi năm, Hà Nội tổ chức thanh, kiểm tra trên 150.000 cơ sở. Chỉ riêng trong năm 2017 các đoàn liên ngành đã thanh, kiểm tra trên 111.100 lượt cơ sở, phát hiện 26.310 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 7.221 cơ sở với số tiền phạt trên 38 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo ông Trần Văn Chung, công tác đảm bảo ATTP ở Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tại tuyến xã còn nhiều và phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại, không bảo đảm vệ sinh môi trường, ATTP. Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn manh mún, phân tán và vẫn còn hiện tượng lạm dụng hóa chất do áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng. Số lượng cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, SSOP, HACCP... còn ít. Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATTP của các ngành Nông nghiệp, Công Thương tại các quận, huyện, xã, phường còn thiếu. Trình độ quản lý về ATTP còn hạn chế, chưa có chuyên trách về công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn. Đa số người tiêu dùng chưa biết hoặc không thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để kiểm chứng nguồn gốc thực phẩm.
“Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về ATTP, xử nghiêm các trường hợp vi phạm. TP siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như: Hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, củ, quả; chất kháng sinh và chất cấm tăng trưởng trong sản phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm… Đồng thời, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. Hà Nội sẽ phát triển mạnh các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý các chợ, siêu thị; xây dựng, nâng cấp cơ sở kiểm nghiệm ATTP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân Thủ đô” - ông Chung nhấn mạnh.
Theo kintedothi.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top