Chủ trì hội nghị có đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng,- Phó Bí thư Tỉnh ủy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu – Phó ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh.
Trong năm 2015, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 13.100 lượt cơ sở, phát hiện 3.251 lượt cơ sở vi phạm, xử lý 1.968 cơ sở với số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Số cơ sở đạt điều kiện VSATTP là 9.849 lượt cơ sở chiếm 75,2%. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính tại một số huyện và tuyến cơ sở chưa mạnh mẽ, chưa đủ sức răn đe; việc kiểm soát, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm còn thấp; công tác tuyên truyền thiếu đột phá, sáng tạo…
Triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016, mục tiêu chính nhằm bảo đảm về ATVSTP bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên ngành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hình thành một số điểm sản xuất, cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, trọng tâm là rau, quả, thịt lợn, thủy sản nuôi cho người tiêu dùng để phổ biến và nhân rộng. Có chính sách hỗ trợ hình thành các vùng sản xuất nông sản, thủy sản thực phẩm theo hướng tập trung, gắn với doanh nghiệp đầu ra cho sản phẩm, mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn liên kết theo chuỗi…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung ý kiến cho rằng, cần nâng cao hiệu quả các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành; hình thành và nhân rộng một số điểm sản xuất, cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định VSATTP; tiếp tục tăng cường công tác thông tin đại chúng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú…Hội nghị thể hiện quyết tâm cao trong việc xử lý các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó tập trung vào 3 nhóm trọng tâm: Thuốc kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất tạo nạc trong chăn nuôi, vàng ô trong thực phẩm.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, đồng chí Đặng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là vấn đề đáng báo động, nhiệm vụ cấp bách, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, liên tục và kiên quyết. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn là hành vi vi phạm đạo đức, đáng lên án và phải bị xử lý nghiêm. Về giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Đặng Quốc Khánh yêu cầu các cấp, các ngành, phương tiện thông tin đại chúng cần tuyên truyền liên tục, hiệu quả. Cùng với phát hiện, phê phán những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, biểu dương, nhân rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Về lâu dài, bền vững cần tạo nguồn thực phẩm sạch, đó là chỉ đạo phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình cần chú trọng đến sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn. Không vì lợi nhuận mà bất chấp sinh mạng của cộng đồng. Đối với trang thiết bị, giao cho ngành Y tế, ngành nông nghiệp nghiên cứu mua sắm trang thiết bị đủ đáp ứng với việc phát hiện, xử lý nhanh gắn với truy xuất nguồn gốc. Công tác thanh tra, xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải tận gốc, từ cơ sở và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của mỗi ngành mỗi cấp, mỗi địa phương; đồng thời đây cũng là một trong những tiêu chí để xếp loại thi đua…
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 bắt đầu từ ngày 15 tháng 4 cho đến hết ngày 15 tháng 5. Ngay sau hội nghị triển khai và phát động, đoàn thanh niên khối Sở Y tế đã diễu hành qua các tuyến phố chính trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh nhằm tuyên truyền tăng cường, sản xuất, kinh doanh rau, thịt an toàn.
Theo Đoàn Loan - TTGDSK Hà Tĩnh
Bình luận