Hưng Yên: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp

Ngày đăng: 15/12/2024 - Lượt xem: 772

Hiện nay, ngành y tế tỉnh quản lý 4.192 cơ sở thực phẩm, trong đó, tuyến tỉnh quản lý 639 cơ sở; tuyến huyện, tuyến xã quản lý 3.553 cơ sở, gồm 2.204 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.349 cơ sở thức ăn đường phố. Tuy phần lớn cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện, cấp xã, nhưng công tác quản lý còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Huyện Văn Lâm có tổng số 764 cơ sở thực phẩm. Trên địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng ăn uống. Theo kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đối với công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện Văn Lâm, việc tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về ATTP chưa được thường xuyên, chủ yếu tập trung vào những đợt cao điểm. Số lượng cơ sở thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện chưa nhiều.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh phối hợp với BCĐ huyện tổ chức kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất thực phẩm

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn vi phạm về ATTP chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, chưa ký cam kết về ATTP. Công tác kiểm tra, giám sát về ATTP chưa được triển khai thường xuyên. Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP huyện chưa tổ chức kiểm tra công tác quản lý nhà nước tuyến xã/thị trấn. Công tác quản lý dịch vụ thức ăn đường phố còn hạn chế. Huyện chưa bố trí kinh phí cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác bảo đảm ATTP.

Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại huyện Yên Mỹ

Nguồn nhân lực làm công tác quản lý ATTP tại huyện và các xã, thị trấn còn mỏng, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, chưa có cán bộ chuyên trách và chưa được thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn về quản lý ATTP. Tổng số mẫu thực phẩm được xét nghiệm nhanh trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 của toàn huyện mới được 147 mẫu. Những khó khăn, hạn chế trên không riêng ở huyện Văn Lâm mà các huyện, thị xã, thành phố đều có chung thực trạng. Thành phố Hưng Yên có 1.526 cơ sở thực phẩm, trong đó, ngành y tế quản lý 317 cơ sở, chủ yếu cấp thành phố và cấp xã quản lý với 286 cơ sở. Đồng chí Ôn Quốc Thịnh, Phó chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố Hưng Yên cho biết: Thành phố có văn bản gửi các trường học tuyên truyền phụ huynh, nhắc nhở học sinh không mua đồ ăn vặt ở cổng trường. Thành phố tổ chức tuyên truyền, cảnh báo mất ATTP cho người dân bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố Hưng Yên, năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, không có mẫu thực phẩm nào được xét nghiệm; công tác kiểm tra về việc chấp hành các quy định ATTP chưa được quan tâm đúng mức...

Đồng chí Vũ Huy Kha, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Điểm chung của các xe đẩy, quầy hàng bán dọc đường, trước cổng trường học đều tạm bợ, không có dụng cụ bảo quản chuyên dụng. Nhiều loại đồ ăn không được bao gói, che chắn. Dụng cụ sử dụng để ăn, uống không bảo đảm. Người bán hàng không biết quy trình về thực hành ATTP. Các thực phẩm chính đối với loại hình thức ăn đường phố như xúc xích, nem lụi, nem chua rán, bánh tráng trộn, các loại nước chấm, thức uống như trà sữa, nước giải khát tự pha... Nhiều trường hợp sau khi ăn thực phẩm được mua ở các hàng quán di động bị đau bụng, đi ngoài. Đó là ở mức độ ngộ độc thực phẩm nhẹ nên nhiều người bỏ qua. Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm rất khó truy xuất nguyên nhân. Việc buông lỏng công tác quản lý ATTP ở cấp huyện, cấp xã đối với các cơ sở thực phẩm thuộc phân cấp quản lý sẽ dẫn đến những nguy cơ mất ATTP.

 Đoàn kiểm tra hướng dẫn, tuyên truyền việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống trên địa bàn huyện Phù Cừ

Theo Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND ngày 22/8/2019 của UBND tỉnh ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý ATTP thuộc lĩnh vực y tế gồm: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần phục vụ, kinh doanh thức ăn đường phố; quản lý các hoạt động tổ chức đông người ăn uống (từ 30 người trở lên) tại các hộ gia đình như: Đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, đám tang, mừng thọ, liên hoan của các hội, các tổ chức có đông người ăn. Cấp huyện quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống dưới 200 suất ăn/lần phục vụ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động do UBND hoặc cơ quan có thẩm quyền của huyện, thị xã, thành phố cấp.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành lấy mẫu giám sát tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Tại hội nghị triển khai công tác ATTP và Tháng hành động vì ATTP năm 2024, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh yêu cầu, Sở Y tế chủ trì phối hợp hướng dẫn các ngành, địa phương thống kê, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh được được phân cấp quản lý theo các tiêu chí cụ thể phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTP. Đối với các cơ sở trong diện bắt buộc mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP thì yêu cầu dừng hoạt động. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phần lớn cơ sở thực phẩm thuộc cấp huyện, cấp xã quản lý. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử phạt còn hạn chế. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành tỉnh hướng dẫn các địa phương rà soát, phân loại cơ sở thực phẩm thuộc diện và không thuộc diện cấp giấy phép đủ điều kiện ATTP để đưa vào quản lý hiệu quả, đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm sức khỏe người dân.

                                                                   Chi cục ATVSTP Hưng Yên

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525