Kết quả triển khai Kế hoạch “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Ngày đăng: 16/03/2022 - Lượt xem: 564

Thực hiện Kế hoạch số 2078/KH-BCĐTƯATTP ngày 15/12/2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022. Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 173/KH-BCĐ ngày 27/12/2021 triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

(Ảnh: Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh Thái Nguyên Chủ trì Họp Ban Chỉ đạo)

Qua hai tháng triển khai, kết quả các hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Thực hiện Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm, nỗ lực, quyết liệt vào cuộc và thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng từng bước được nâng cao, tự giác chấp hành các quy định của nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh. 

Về Công tác thông tin, truyền thông được chú trọng triển khai đồng bộ từ tỉnh đến địa phương, các đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài phát thanh và Truyền hình, Báo Thái Nguyên cùng các đơn vị truyền thông, thực hiện 03 phóng sự, 233 tin, bài tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn cộng đồng lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Tổ chức nói chuyện chuyên đề 57 buổi với 1.877 người tham dự,tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại chợ, cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Căng treo 177 băng zôn tuyên truyền; phát 1.381 lượt chuyển tải Thông điệp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân đến người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Về hoạt động kiểm tra, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 230 đoàn, trong đó tuyến tỉnh 9 đoàn (3 đoàn liên ngành, 6 đoàn chuyên ngành), tuyến huyện 16 đoàn, tuyến xã 205 đoàn. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 1.990/20.542 (chiếm 9,7% tổng số cơ sở thực phẩm trên toàn tỉnh), trong đó có 1.799 cơ sở đạt (chiếm 90,4%). Các cơ sở thực phẩm đã thực hiện tốt các quy định về điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở được khám sức khỏe và cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm; sử dụng nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật và được xét nghiệm định kỳ theo quy định; nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

(Ảnh: Đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể Công ty TNHH KDS Vina tại KCN Điềm Thụy Phú Bình - Thái Nguyên)

Về hoạt động giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm. Toàn tỉnh đã thực hiện giám sát 1.752 mẫu thực phẩm đối với các sản phẩm được tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân như thịt và các sản phẩm từ thịt (giò, chả, xúc xích...), rượu...: kết quả 1.705/1.752 mẫu đạt yêu cầu (chiếm 97,3%). Năm 2021 và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022 không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số những hạn chế khó khăn trong việc quản lý như: do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh; công tác kiểm tra, truyền thông an toàn thực phẩm của các địa phương cũng bị gián đoạn hoặc điều chỉnh giảm bớt do tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh đó còn một số những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chưa quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất, chế biến; công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm tại các xã, phường (đặc biệt các chợ tạm, chợ cóc,…) chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm; chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm; kịp thời biểu dương, đưa tin về các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; tiếp tục thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khi phát hiện những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn,duy trì các chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối nông sản an toàn; quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top