Lễ hội Quán Thế Âm – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, có quy mô lớn ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Đây là Lễ hội văn hóa thường niên diễn ra vào ngày 19/2 Âm lịch tại Khuôn viên chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn thu hút đông đảo các Phật tử, du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, tạo cho Lễ hội Quán Thế Âm mang màu sắc thiêng liêng hiếm có.
Thông thường, Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong 3 ngày, bao gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ mang đậm màu sắc lễ nghi Phật giáo hoà quyện với phần hội là những sinh hoạt văn hoá cổ truyền đậm tính nhân văn được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú: hội hoá trang, hát bội (tuồng), thi các môn: thi pháp, tranh thuỷ mặc, thả hoa đăng trên sông Cổ Cò, đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co, bơi chải, thi nấu ăn chay, trang trí cổng trại, hát bài chòi, thiền trà, triển lãm tượng đá và hội thi điêu khắc đá của làng đá mỹ nghệ Non Nước.
Lễ hội Quán Thế Âm- Ngũ Hành Sơn thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát trước và trong thời gian diễn ra Lễ hội từ ngày 22/3/2024 đến hết ngày 01/4/2024 đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến, đường từ Chùa Quán Thế Âm đến Chùa Hương Sơn (Núi Ghềnh) và các cơ sở phục vụ ăn uống trong khuôn viên Chùa Quán Thế Âm.
Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Hoạt động kiểm tra bao gồm: kiểm tra giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe, danh sách xác nhận kiến thức của chủ cơ sở và nhân viên chế biến, hóa đơn chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu..., nguồn nước sử dụng, điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyên, bày bán thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP…
Bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, của đồng bào phật tử, sự phối hợp của Ban trị sự Chùa Quán Thế Âm là hết sức quan trọng và cần thiết. Đến thời điểm này, công tác bảo đảm ATTP đã được chuẩn bị cơ bản đáp ứng các quy định từ nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, bảo quản, bày bán và phục vụ ăn uống.
Trong thời gian đến, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức để hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa sự cố về thực phẩm, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân và du khách.
Bình luận