Lạng Sơn: Gần 6.000 cơ sở thực phẩm được kiểm tra trong các đợt cao điểm về bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022

Ngày đăng: 05/10/2022 - Lượt xem: 463

Trên cơ sở Kế hoạch số 2299/KH-BCĐTƯATTP ngày 31/12/2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc Triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch số 12/KH-BCĐ ngày 24/01/2022 về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm 03 đợt cao điểm về bảo đảm an toàn thực phẩm gồm: Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và dịp Tết Trung thu.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, số lượng cơ sở kinh doanh thực phẩm chiếm số lượng lớn nhất gần 4.000 cơ sở; số lượng cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm khoảng 700; còn lại là cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố mỗi loại hình có khoảng 1.300 cơ sở. Trong các đợt cao điểm về bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022, đã có gần 6.000 cơ sở thực phẩm được kiểm tra. Cụ thể: Tết Nguyên đán kiểm tra được 1.401 cơ sở thực phẩm; Tháng hành động kiểm tra được 2.245 cơ sở và Tết Trung thu được 2.123 cơ sở thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 758 cơ sở thực phẩm có tồn tại và xử phạt vi phạm hành chính 334 cơ sở thực phẩm (chiếm 5,6% tổng số cơ sở được kiểm tra), nhắc nhở 424 cơ sở thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt là 666.782.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: vi phạm quy định về thực hành an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa. Kinh doanh hàng hóa nhập lậu,...

Kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Trong 03 đợt này, các đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện hơn 10.000 đơn vị sản phẩm là thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu và đã tiêu huỷ các sản phẩm này. Tổng giá trị sản phẩm tiêu hủy khoảng 400.000.000 đồng. Trong đó, các sản phẩm thực phẩm bị thu hồi, tiêu hủy với số lượng lớn như: 2.500 kg chân gà rút xương; 450 chiếc bánh vừng; 110 kg táo tàu sấy khô; 2.000 chiếc xúc xích cay ăn liền; 1.600 chiếc chân gà cay ăn liền; 820 chiếc bánh trung thu các loại,...

Kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu

Bên cạnh hoạt động kiểm tra thì trong các đợt cao điểm này, các hoạt động truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm đã được tăng cường thực hiện. Trong đó Ngành Y tế phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn tăng cường công tác tuyên truyền, dành thời lượng phát sóng, phát thanh thích hợp cho các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng dẫn cách lựa chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; tuyên truyền phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Đã in sao đĩa Thông điệp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, gửi Văn phòng HĐND&UBND các huyện, thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để tổ chức tuyên truyền. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế đã phối hợp với Văn phòng HĐND&UBND huyện Cao Lộc, Tràng Định tổ chức Tuyên truyền cơ động hưởng ứng “Tháng hành độngvì an toàn thực phẩm” và Tết Trung thu. Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tuyến huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 như: Tổ chức phát thanh, tuyên truyền lưu động; đã phát hơn 2.000 tờ rơi, tờ gấp và treo hơn 200 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền,...

Trong 03 đợt cao điểm về bảo đảm an toàn thực phẩm đã có khoảng 85% (6.000/7.000) cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh được kiểm tra. Đây là con số thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP các cấp và các Ngành có liên quan, bởi trong những tháng đầu năm 2022, dịch Covid bùng phát trên địa bàn tỉnh, nhiều hoạt động kiểm tra, truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm đã bị hoãn, dừng thực hiện. Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát, các hoạt động kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh. Đã có 334 cơ sở thực phẩm vi phạm bị xử phạt hành chính và số lượng lớn thực phẩm hết hạn, thực phẩm không rõ nguồn gốc bị thu hồi, tiêu hủy. Việc này đã góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh và kịp thời ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.

Chi Cục ATVSTP Lạng Sơn

 

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525