Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm 5 tháng đầu năm 2024, triển khai kế hoạch trọng tâm đảm bảo an toàn thực phầm 7 tháng cuối năm 2024

Ngày đăng: 27/05/2024 - Lượt xem: 496

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình. Sáng ngày 24/5/2024, tại Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động đảm bảo ATTP 5 tháng đầu năm 2024, triển khai kế hoạch trọng tâm đảm bảo ATTP 7 tháng cuối năm 2024.

Đồng chí Hoàng Xuân Tân - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó thường trực Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các sở ban ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố là thành viên của Ban chỉ đạo; tổ giúp việc Ban chỉ đạo; và các cơ quan thông tin báo chí.

Đồng chí Hoàng Xuân Tân - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó thường trực Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Hội nghị đã nghe đồng chí Phan Thanh Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế bảo cáo tình hình hoạt động đảm bảo ATTP 5 tháng đầu năm 2024, kế hoạch trọng tâm đảm bảo ATTP 7 tháng cuối năm 2024.

Cụ thể trong 5 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo ATTP đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 văn bản chỉ đạo. Ban hành 03 Kế hoạch, 04 Báo cáo về triển khai đảm bảo công tác ATTP trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh với sự tham gia của nhiều ngành, các tổ chức đoàn thể, gắn với với hoạt động kiểm tra, giám sát, vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng và mục tiêu truyền thông; gắn với vận động thực hiện sản xuất thực phẩm an toàn và thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP. Các cơ quan chức năng thuộc ngành Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Cục Quản lý thị trường, Công an và các địa phương đã phối hợp triển khai thanh, kiểm tra 4.855 lượt cơ sở.  Kết quả có 587 cơ sở (vụ) vi phạm, chiếm tỷ lệ 12,1%. Xử phạt vi phạm hành chính: 46 cơ sở (vụ) với tổng số tiền 311.350.000 đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm và tiêu hủy hơn 230 triệu đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm động vật (thịt lợn, bò, gia cầm) ở một số địa phương chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn còn tình trạng người kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật không đúng nơi quy định, kinh doanh không có quầy, sạp, bày bán ở dưới nền, vỉa hè tiềm ẩn nhiều mối nguy về ATTP. Tình trạng bán thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các điểm tập trung đông người như công viên, khu vui chơi, cổng trường và xung quanh các trường học vẫn còn diễn ra, tuy nhiên việc quản lý hoạt động đối với cơ sở kinh doanh lưu động, không có địa điểm kinh doanh cố định cũng là một trong những khó khăn với các ngành chức năng; một bộ phận người dân do điều kiện thu nhập thấp nên vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ. Hiện nay, các hoạt động buôn bán hàng hóa thông qua hoạt động thương mại điện tử và các ứng hoạt động trên nền tảng như: zalo, facebook, tiktok,...ngày càng trở nên phổ biến. Với đặc thù loại hình hoạt động kinh doanh này là khó phát hiện địa điểm kinh doanh, nơi cất giấu hàng hóa, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác thu thập thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm, đối tượng vi phạm để kiểm tra, xử lý theo quy định. Việc kiểm tra thực phẩm kinh doanh chủ yếu bằng trực quan, bằng mắt thường là chính, chưa được trang bị phương tiện, dụng cụ để kiểm tra, kiểm soát chính xác, hiệu quả. Các phòng thử nghiệm trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu để phân tích đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Vì vậy, việc kiểm nghiệm chất lượng phải gửi mẫu ở ngoài tỉnh, mất rất nhiều thời gian, kinh phí, thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ATTP các tuyến, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn vùng sâu vùng xa vẫn còn yếu, cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc nên ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn.

Sau khi nghe báo cáo, các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, UBND huyện Minh Hóa, UBND huyện Quảng Trạch đã phát biểu một số ý kiến về công tác đảm bảo ATTP tại lĩnh vực và địa phương quản lý. Qua đó đề xuất một số khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị với Ban Chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo ATTP.

Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị, Đồng chí Hoàng Xuân Tân nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đảm bảo ATTP, đặc biệt vai trò của công tác thông tin, truyền thông về ATTP. Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa công tác đảm bảo ATTP tại các trường học, kiểm soát chặt chẽ quy trình cung ứng các dịch vụ ăn uống tại trường học. Các ngành chú trọng cơ chế phối hợp, trao đổi bằng văn bản những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý để có giải pháp xử lý.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ATTP trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm ATTP.

Sau khi nghe kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hội nghị đã thống nhất, trong thời gian tới cần phát huy tốt công tác phối hợp triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP; bám sát kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, triển khai các nội dung sát với thực tiễn địa phương.

Nguồn: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,317,051
Trong tháng
409,272
Hôm nay
55,135
Đang Online
675