Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 12/01/2023 của Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm tỉnh Sơn La về đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023. Chiều ngày 18/8/2023 tại Phòng họp trực tuyến Trung tâm Hành chính tỉnh Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023
Chủ trì Hội nghị đồng chí Trần Đắc Thắng, Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm tỉnh. Tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh là đại diện lãnh đạo các Sở ngành, địa phương: Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La, đại diện các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp: Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, đại diện Ban Chỉ đạo về An toàn thực phẩm thành phố Sơn La; Phóng viên: Báo Sơn La, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Thông tin tỉnh. Tại điểm cầu UBND các huyện, thành phố gồm Thành viên Ban Chỉ đạo về An toàn thực phẩm các huyện, thành phố; bộ phận giúp việc cho Thường trực Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố, Địa điểm Phòng họp trực truyến tại Văn phòng HĐND-UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Trần Đắc Thắng, Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm tỉnh Sơn La phát biểu
khai mạc Hội nghị
Ban Chỉ đạo về An toàn thực phẩm của tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng: Như xây dựng chuyên mục, bản tin phát trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Sơn La, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Website của các ngành liên quan; xây dựng nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn, tổ, bản, tiểu khu, ban quản lý chợ; tuyên truyền trực tiếp bằng hình thức nói chuyện. Cấp, phát các sản phẩm truyền thông như băng đĩa hình, đĩa tiếng, tờ rơi, poster, sách nhỏ với các nội dung tuyên truyền đa dạng, kịp thời cảnh báo, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về vai trò đảm bảo an toàn thực phẩm trong đời sống theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương.
Các ngành chức năng thành viên Ban Chỉ Đạo đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thông qua việc kiểm tra, giám sát tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đánh giá công tác quản lý về an toàn thực phẩm các cấp, các ngành có liên quan theo phân công, phân cấp. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan, tăng cường phối hợp công tác liên ngành để bảo đảm các đoàn kiểm tra đủ mạnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng kiểm tra và nâng cao hiệu lực quản lý nhất là trong các đợt cao điểm như: Tết Dương lịch, tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm...và các cuộc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn.
Kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 06 tháng đầu năm 2023: Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP: 4.441; Số cơ sở vi phạm: 612. Trong đố: Số cơ sở vi phạm tiêu hủy sản phẩm: 31. Số cơ sở vi phạm và phạt tiền: 581. Số tiền phạt vi phạm hành chính: 1.754.225.000 đồng. Toàn tỉnh thực hiện lấy mẫu thực phẩm giám sát mối nguy với tổng số mẫu 1.063. Trong đó: 1.059 mẫu đạt, 04 mẫu không đạt. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 02 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Trong đó: 31 người mắc, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ ngộ độc thực phẩm tăng (01 vụ), số người mắc tăng (24 người), không có người tử vong; có 431 ca ngộ độc thực phẩm rải rác trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2023: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành Kế hoạch triển khai đảm bảo ATTP trong các dịp lễ, tết năm 2023.
- Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương đảm bảo ngang tầm thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng, số lượng các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm cho phù hợp với tình hình mới, kết hợp vận động nhân dân thực hiện an toàn thực phẩm. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ về an toàn thực phẩm để người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tiếp cận và áp dụng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm không chồng chéo, không trùng lặp, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm
Kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến; mô hình điểm về ATTP; mô hình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm an toàn có hiệu quả để làm căn cứ nhân rộng phát triển xây dựng mới các mô hình. Tiếp tục duy trì và phát triển ổn định các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung; hình thành và phát triển chuỗi về nông nghiệp sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao trong kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào; liên kết sản xuất, tiêu thụ với phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tiếp tục xây dựng mô hình điểm và duy trì có hiệu quả các mô hình điểm điển hình về an toàn thực phẩm. Đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động của mô hình điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình tại các địa phương.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý ATTP, tiếp tục triển khai có hiệu quả phần mềm hệ thống thông tin quản lý ATTP đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo các chuyên đề trọng tâm và các sản phẩm có mối nguy ô nhiễm cao trên địa bàn. Kịp thời cập nhật, báo cáo, điều tra xác định nguyên nhân, khắc phục các vụ ngộ độc thực phẩm. Xây dựng phương án can thiệp phù hợp để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên tại bếp ăn gia đình ở địa phương.
Chi cục ATVSTP Sơn La
Bình luận