Ngày 26/7/2023, Kế hoạch liên tịch số 1746/KHLT-BQLATTP-SGDĐT được Ban Quản lý ký kết cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phối hợp triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông và thanh, kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm trước thềm năm học mới 2023-2024.
Theo đó, từ ngày 08/8/2023 đến ngày 24/8/2023, Ban Quản lý phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận/huyện tổ chức 12 nhóm lớp tập huấn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác y tế Phòng Giáo dục và Đào tạo 21 quận/huyện và Thành phố Thủ Đức và Lãnh đạo trường học (trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS, trường THPT và trường có nhiều cấp học) có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căng tin trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua các nội dung tập huấn gồm: Văn bản Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm; hướng dẫn vận hành hệ thống tự kiểm tra; dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm; quy trình phối hợp điều tra và xử lý ngộ độc thực phẩm của Ban Quản lý; các cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhân viên phụ trách công tác y tế của các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT các quận - huyện được cập nhật kiến thức pháp luật, quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó tăng cường năng lực quản lý và giám sát về phía nhà trường để mang lại bữa ăn an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Tiếp tục triển khai các hoạt động theo ký kết liên tịch nêu trên, Ban Quản lý ban hành Kế hoạch số 1993/KH-BQLATTP ngày 23/8/2023 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể từ ngày 15/9/2023 đến ngày 31/10/2023, các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý phối hợp với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại diện chính quyền địa phương để tiến hành kiểm tra các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học.
Nội dung thanh, kiểm tra của các Đoàn bao gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); nguồn nước sử dụng trong chế biến; hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ mua vào; hồ sơ công bố/tự công bố sản phẩm; giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu. Ngoài ra, Đoàn cũng tiến hành thanh, kiểm tra thực tế điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở, bao gồm: điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; điều kiện về con người; các hồ sơ pháp lý và nội dung khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra.
Đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm phát sinh trong quá trình thanh, kiểm tra, Ban Quản lý căn cứ thẩm quyền xử lý hoặc chuyển xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước thềm năm học mới 2023-2024, cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết tâm kiểm soát an toàn thực phẩm của các cấp, các Lãnh đạo ngành Giáo dục và của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ mang lại những “bữa ăn học đường” thật sự chất lượng, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng và tuyệt đối an toàn đến các em học sinh, những mầm non và cũng là thế hệ tương lai của đất nước.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm
Phát biểu tại buổi tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học
Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám Đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM
Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn
Báo cáo viên tại các buổi tập huấn
Bình luận