Trong dịp này, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh cũng đã triển khai Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Long về triển khai thực hiện Kế hoạch số 160-KH/TU ngày 03/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tình hình ngộ độc thực phẩm cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5/2023, sẽ là điểm nhấn để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và trách nhiệm của cộng đồng công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo
liên ngành về An toàn thực phẩm phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian qua và để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới, đề nghị các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và xem công tác này là nhiệm vụ cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
2. Tập trung mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt như: Viet GAP, Global GAP và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: GMP, SSOP, HACCP, ISO... Duy trì và nhân rộng các mô hình chuỗi nông - lâm - thuỷ sản an toàn.
4. Các địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Duy trì việc cung cấp thông tin số điện thoại đường dây nóng và đầu mối nhận, xử lý phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đồng thời kêu gọi người dân vì sức khỏe của mình và cộng đồng hãy giám sát và tố giác kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long
Bình luận