Ngộ độc thực phẩm xảy ra sau bữa trưa tại gia đình bà Vừ Thị Ly, bản Po Mậu, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Đại diện gia đình bệnh nhân cho biết anh Hạng Seo Lưu, trú tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đến gia đình chị Ly, thấy nhiều cây nấm lạ, màu trắng, mọc sau nhà, anh Lưu hái về nấu canh và cùng gia đình chị Ly ăn. Sau 2 giờ đồng hồ, 9 người trong gia đình đều có biểu hiện ngộ độc, với các triệu chứng: Đau đầu, nôn, đau bụng đi ngoài, da xanh tái và được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu để điều trị.
Khi nhận được tin báo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với TTYT huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu mau chóng phối hợp điều tra, khắc phục ngộ độc. Do điều kiện trang thiết bị của Bệnh viện huyện Thuận Châu không đáp ứng được điều trị chống độc do đó đã chuyển 7/9 bệnh nhân bị ngộ độc nặng về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong đó có 01 cháu bé gái là Và Thị Chứ mới được 1 tháng tuổi (sinh ngày 5/6/2018). Tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh, các bác sỹ đã tiến hành xông rửa dạ dày, truyền giải độc, truyền dịch. Đến 16 giờ ngày 6/6, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe cơ bản hồi phục.
Bác sĩ Khoa HSTC của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La thăm khám, điều trị và chăm sóc
cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm.
Loại nấm độc mà gia đình bà Ly ăn và bị ngộ độc
do cán bộ TTYT thuận Châu lấy mẫu từ thực phẩm còn sót lại.
Hiện nay, đang vào mùa mưa, nóng, ẩm cao, mùa thuận lợi cho các loại nấm phát triển, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khuyến cáo:
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Chi cục ATVSTP Sơn La
Bình luận