Không để “khoảng trống” trong quản lý an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 29/10/2018 - Lượt xem: 4342

Đã gần 10 ngày Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP), trong đó tăng mức phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Tại TPHCM, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm đã được các cơ quan triển khai quyết liệt. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, về kết quả thực hiện trong thực tế.

 PHÓNG VIÊN: Thưa bà, thành phố hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống và hàng ngàn điểm buôn bán thức ăn đường phố, liệu chúng ta có kiểm soát hết và có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn thực phẩm?

 Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Hiện trên địa bàn TP có gần 47.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và khoảng 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Những hộ kinh doanh thức ăn đường phố cùng các hộ kinh doanh cá thể về sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống được phân cấp về cho các quận huyện quản lý theo địa bàn. Kinh doanh thức ăn đường phố là mô hình rất đặc thù, có truyền thống lâu đời, tiện lợi và độc đáo, là sinh kế của nhiều cư dân đô thị. Tuy nhiên, với điều kiện môi trường, nhiệt độ, thói quen vệ sinh hiện nay, thức ăn đường phố còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. 

Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) đã triển khai đến các quận huyện các chuẩn cơ bản cho thức ăn đường phố. Một số quận huyện cũng đã hình thành các tuyến phố tập trung thức ăn đường phố. Phải đưa thức ăn đường phố vào “khuôn khổ” nhưng cần lưu ý tính đặc thù, không thể rập khuôn với các nhà hàng, quán ăn.

Chúng tôi đã tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho rất nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố; vận động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, đặc biệt với sự phối hợp của các thành viên hội liên hiệp phụ nữ, mặt trận tổ quốc..., vận động trang bị các phương tiện (kẹp gắp thức ăn, găng tay, đồ đựng một lần, khẩu trang...) cho một số điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường về nguồn gốc thực phẩm, kiểm nghiệm nhanh về ATTP. Điều quan trọng chính là ý thức của cả người bán và người mua, nói không với những điểm bán mất vệ sinh ATTP. Mặc dù thực tế tình hình đã có cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nghị định 115 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP tăng cao hơn so với hiện nay, theo bà, nghị định này có thiết lập được trật tự cho kinh doanh các dịch vụ ăn uống?

 Mức xử phạt cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng. Một số trường hợp còn không có mức trần, nghĩa là phạt theo giá trị hàng hóa, có thể lên đến nhiều tỷ đồng. Nghị định cũng quy định các mức phạt nghiêm với các vi phạm về tự công bố sản phẩm (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP, các doanh nghiệp được tự công bố các sản phẩm chứ không phải chờ cơ quan quản lý, trừ một số nhóm sản phẩm sức khỏe). Nghị định 115 có các mức phạt tăng cao hơn nhiều so với Nghị định 178, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng xử phạt không đủ sức răn đe trước đây, trong tình hình còn rất phức tạp về bảo đảm ATTP. Cơ quan quản lý đã có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chỉ tăng cao mức phạt là chưa đủ, mà quan trọng là nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường các nguồn thực phẩm sạch. 

Tuy nhiên sau gần 10 ngày Nghị quyết 115 có hiệu lực, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vẫn có thói quen như cũ, thực phẩm chưa được bảo quản tốt trước khi bán ra cho người dùng?

 Chưa nói đến với thực tế dân cư và số lượng rất lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại TPHCM thì không một lực lượng thanh tra sở ngành hay quận huyện nào đủ sức để phát hiện và xử lý mọi vi phạm. Hiện nay, hệ thống các đội quản lý ATTP liên quận huyện của Ban Quản lý ATTP đang hoạt động rất tích cực, đặc biệt trong phối hợp với lực lượng tại chỗ của quận huyện để giải quyết các vấn đề về ATTP, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Nhưng tại tuyến quận huyện, phường xã vẫn còn hạn chế về đội ngũ cán bộ như: quá tải công việc, thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP, hạn chế của mô hình kiểm tra liên ngành, thẩm quyền xử phạt... Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP ở tuyến phường xã, để huy động thêm lực lượng, tăng cường về chuyên môn.

Chúng tôi sẽ áp dụng Nghị định 115 trên tinh thần hướng đến mục tiêu bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đồng thời phải hợp tình hợp lý, tổ chức và cá nhân phải tâm phục khẩu phục. Chúng tôi tăng cường tập huấn, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở làm đúng, trước khi phải áp dụng biện pháp sau cùng là xử phạt. 

Nhiều người còn băn khoăn với số tiền phạt khá lớn nên các cửa hàng ăn uống, kinh doanh thực phẩm sẽ tìm mọi cách đối phó. Ban Quản lý ATTP sẽ làm gì để việc tuân thủ pháp luật về vệ sinh ATTP lâu dài, mang tính bền vững?

 Thực tế trước khi có Nghị định 115, Ban Quản lý ATTP đã rất nghiêm túc và quyết liệt trong xử phạt, nếu so sánh giá trị trung bình một vụ xử phạt doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 là khoảng 10 triệu đồng (trong khi con số trung bình xử phạt giai đoạn trước của cả nước là... 200.000 đồng). Và cũng đã có những vụ việc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến hàng trăm triệu đồng. Ban đã công khai các thông tin xử phạt trên trang thông tin điện tử của ban. Việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 115 sẽ tăng sức răn đe nhưng đồng thời cũng kèm nguy cơ đối phó của cơ sở. Ban Quản lý ATTP sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra, bảo đảm đúng quy trình, tăng cường giám sát nội bộ và xử lý nghiêm các vi phạm. 

Thời gian qua, các cơ quan truyền thông cũng đã rất nhiệt tình theo sát các hoạt động của thanh tra, chủ động thông báo các phát hiện vi phạm về ATTP, kịp thời đưa thông tin đến cộng đồng... Tất cả đã góp phần tăng cường hiệu quả, tính lan tỏa và răn đe của hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm đối với thức ăn bẩn; đồng thời là biện pháp giám sát rất hữu hiệu để phòng ngừa các hành vi nhũng nhiễu, bắt tay tiêu cực nếu có; phối hợp với mong muốn các thông tin được phản ánh thận trọng, chính xác, đúng bản chất sự việc, không để có “khoảng trống” trong quản lý ATTP.

9 tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý ATTP đã thanh tra, kiểm tra 2.200 cơ sở, phát hiện 449 cơ sở vi phạm, xử phạt 333 cơ sở với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng; tiếp tục xử lý 89 cơ sở. Ban hành và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền ATTP cuối năm 2018 và đầu năm 2019, tập trung cho tết cổ truyền, nhất là thời gian trước tết với việc chế biến thực phẩm chuẩn bị tết. Hiện ban đang tập huấn về Nghị định 115 cho quận huyện, doanh nghiệp, cùng với kế hoạch tập huấn thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến phường xã. Các đợt thanh tra chuyên đề vẫn được tiến hành song song. 

 

Theo: Saigongiaiphong.org.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top