Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5) Quách Minh cho biết: “Hiện nay, vấn đề vệ sinh ATTP được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, chất lượng thực phẩm liên quan đến cả quá trình từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Công tác bảo đảm ATTP cho học sinh bán trú trong trường học giữ vị trí quan trọng đối với sức khỏe học sinh, góp phần nâng cao chất lượng học tập”. Nhiều năm qua, bếp ăn của Trường tiểu học Trần Bình Trọng luôn bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn của bếp ăn mà Ban quản lý ATTP thành phố yêu cầu. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm học, trường xây dựng kế hoạch hoạt động bán trú, lấy ý kiến trong toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà trường và các phụ huynh học sinh. Sau khi kế hoạch được thống nhất, nhà trường xây dựng chế độ ăn uống, thực đơn, khẩu phần dinh dưỡng và dưới sự giám sát của phụ huynh học sinh, nhà trường mời các đơn vị đủ điều kiện về ATTP cung cấp suất ăn cho học sinh. “Mỗi ngày thực phẩm nấu chín đều được lưu mẫu trong tủ lạnh 24 giờ. Trong đó, quan tâm hàng đầu của chúng tôi là nguồn gốc thực phẩm phải rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhất là rau, củ, quả và thịt, thành phần chính tạo nên chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày cho các cháu”, ông Quách Minh cho biết thêm. Với 85 cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú và sử dụng suất ăn sẵn của các cơ sở trên địa bàn quận, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) quận 11 luôn chú trọng chất lượng các bữa ăn cho học sinh. Theo ông Phan Trí Dũng, chuyên viên Phòng GD và ĐT quận 11, các bếp ăn tự tổ chức, suất ăn sẵn, căng-tin trường học… là những điểm dễ gây ngộ độc cho người ăn do việc trà trộn thực phẩm kém chất lượng vào khâu chế biến vì lợi nhuận. Các loại hình cung cấp bữa ăn nêu trên cần được chú trọng kiểm tra, giám sát bởi thế hệ tương lai của đất nước phải được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất. Do vậy, Phòng GD và ĐT quận 11 đã xây dựng lộ trình giám sát, kiểm tra lẫn tư vấn, hướng dẫn chi tiết đối với cán bộ quản lý tại các đơn vị trường học trong quá trình ký kết với các đơn vị cung cấp thực phẩm. Từ tháng 3-2018, Phòng GD và ĐT quận 11 đã triển khai thí điểm tại tất cả các đơn vị trường học trong việc ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn, căng-tin với các đơn vị cung ứng thực phẩm trong chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố. Trong chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm tham gia chuỗi, Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở GD và ĐT thành phố triển khai công tác nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu thực phẩm cung cấp trong trường học, khuyến khích các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng-tin trong trường học sử dụng sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn. Đến nay, đã triển khai cho sáu quận làm thí điểm (quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh) với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm là 3.769 tấn/năm; rau, củ, quả 6.325 tấn/năm; trứng gà hơn 1,9 tỷ quả/năm… Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Dựa trên kết quả thí điểm sáu quận triển khai nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu thực phẩm theo chuỗi ATTP, thời gian tới, Ban quản lý ATTP phối hợp Sở GD và ĐT thành phố sẽ triển khai chương trình này ra 18 quận, huyện còn lại. Song song đó, Ban Quản lý ATTP thành phố phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cung cấp suất ăn trong trường học cho học sinh; đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ cho hơn năm nghìn cán bộ, công nhân viên trong trường học và người chế biến tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học”. Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố có tổ chức bữa ăn cho học sinh phải kiểm tra ba bước theo quy định trong quá trình chế biến thực phẩm trước khi cho học sinh dùng. Đó là: Nguồn thực phẩm “đầu vào”; khi chế biến và đã thành phẩm. Đối với các trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn từ bên ngoài, chỉ được thực hiện với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP và phải lưu mẫu thực phẩm đúng theo quy định, niêm phong mẫu lưu chặt chẽ, bảo quản an toàn.
|
Bình luận