Nguyên nhân chủ yếu gây viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn. Vi khuẩn thường gặp nhất là E.coli.
Vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống đường tiết niệu gây viêm niệu đạo, viêm bàng quang, niệu quản, thận. Biểu hiện là các triệu chứng như: Sốt cao, đái buốt, đái rắt, nước tiểu đục, nước tiểu có máu, mủ, đau thắt lưng…
Để điều trị viêm đường tiết niệu, người bệnh cần dùng kháng sinh theo đúng chỉ định. Uống nhiều nước để làm loãng nước tiểu. Khi uống nhiều nước, người bệnh sẽ đi tiểu thường xuyên hơn, nhờ đó giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu dễ dàng.
Trong chế độ ăn uống, người bệnh nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm có tác dụng lợi tiểu, tăng sức đề kháng để góp phần tăng hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhanh khỏi.
1. Nước rau má
- Nguyên liệu: Rau má 50g, mía đỏ 100g.
- Cách dùng: Rau má nhặt kỹ, rửa sạch xay nhỏ, ép lấy nước đặc. Mía đỏ ép lấy nước trộn đều với nước rau má, chia uống trong ngày.
2. Nước rau dền
- Nguyên liệu: Rau dền cơm 50g, lá bông mã đề 30g, cam thảo đất 10g.
- Cách dùng: Tất cả rửa sạch, ép lọc lấy nước, uống trong ngày.
3. Nước đậu xanh đường phèn
- Nguyên liệu: Đậu xanh để cả vỏ 100g, đường phèn 20g.
- Cách dùng: Đậu xanh vo sạch, cho vào nồi thêm nước đun thật kỹ, chắt lấy nước đặc. Sau đó cho thêm đường phèn vào quấy đều, chia uống trong ngày.
4. Nước giá đậu xanh đường phèn
- Nguyên liệu: Giá đậu xanh 200g, lá bông mã đề 30g, đường phèn 30g.
- Cách dùng: Rửa sạch giá đậu xanh và lá bông mã đề, ép lọc lấy nước. Sau đó cho thêm đường phèn vào quấy đều, chia uống trong ngày.
5. Nước dừa, mía đỏ
- Nguyên liệu: Dừa 1 quả, mía đỏ 100g.
- Cách dùng: Dừa bổ lấy nước. Mía đỏ ép lấy nước. Trộn nước dừa và nước mía quấy đều, chia uống trong ngày.
6. Nước râu ngô
Có thể dùng riêng râu ngô hoặc dùng râu ngô kết hợp lá bông mã đề nấu nước uống.
- Nguyên liệu: Râu ngô 50g, lá bông mã đề (30g), đường trắng (20g).
- Cách dùng: Râu ngô, lá mã đề rửa sạch, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, cho đường vào quấy đều uống dần trong ngày.
Bình luận