Không nên đánh đồng cà phê trộn với cà phê bẩn

Ngày đăng: 16/08/2016 - Lượt xem: 7232

Trên thị trường hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh cà phê đang khá lộn xộn, thiếu minh bạch, trắng đen lẫn lộn làm cho người tiêu dùng không đủ thông tin để tìm được sản phẩm cà phê đáng tin cậy. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung và ngành cà phê nói riêng.

Chúng tôi viết bài này với mong muốn bạn đọc có thể tham khảo, chọn được những sản phẩm cà phê và cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê có chất lượng để bảo vệ sức khoẻ của mình và gia đình.

Trước hết, chúng ta cần phân biệt những khái niệm sau đây: cà phê bẩn, cà phê sạch và cà phê trộn.

Thế nào là “cà phê bẩn” và “cà phê sạch”?

Cà phê không an toàn hay “cà phê bẩn” là loại sản phẩm có chứa các chất độc hại với hàm lượng vượt quá mức giới hạn cho phép, Điều này gây ra nguy cơ làm tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng

Cà phê an toàn hay “cà phê sạch” là những sản phẩm có thể chứa những chất độc hại nhưng hàm lượng của chúng ở dưới mức giới hạn cho phép, tức là những chất độc hại có hàm lượng thấp không thể gây ra những nguy cơ làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Như vậy, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào nói rằng: sản phẩm cà phê nào đó là không an toàn hoặc “cà phê bẩn” thì nhất thiết phải đưa ra được những bằng chứng để chứng tỏ rằng trong sản phẩm đó có chứa những chất độc hại vượt mức giới hạn cho phép.

Trong quá trình sản xuất cà phê có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng nhiễm những chất độc hại vào cà phê: Do máy móc được chế tạo từ chất liệu như sắt, gỗ, men sứ, nhựa; Nhà xưởng và nhân công không đảm bảo vệ sinh trong quá trình sản xuất; Sử dụng các chất độc hại với tư cách là chất phụ gia; Nguyên liệu đã bị hư hỏng, đặc biệt nguyên liệu đầu vào là cà phê và hạt cốc (ngô, đậu tương ...) thường bị hỏng do nấm mốc. Nấm mốc là nguyên nhân chính làm cà phê bị nhiễm các độc tố vi nấm rất có hại đến sức khỏe. Điều này, các cơ quan chức năng rất cần quan tâm giám sát.  Cũng chính vì thế, phần lớn cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê quy mô lớn thường quy định những chế độ kiểm soát rất chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào để đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi đó những cơ sở rang xay cà phê quy mô vừa và nhỏ gần như không có điều kiện hoặc không chú ý đến quy trình kiểm soát độc tố vi nấm mốc trong sản phẩm.

Thế nào là cà phê “trộn”?

Cà phê trộn là cà phê sản phẩm, trong đó một phần cà phê đã được thay thế bằng hạt cốc rang như ngô, đậu nành ở mức độ khác nhau.

Khi đưa ra thị trường tiêu thụ, “cà phê trộn” thường bị quy kết là “cà phê bẩn”. Thị trường không nên đánh đồng hai khái niệm này. Không thể coi các loại “cà phê trộn” là cà phê bẩn nếu không đủ chứng cứ . Nếu cơ sở hoặc doanh nghiệp sản xuất có sử dụng hạt cốc rang để trộn với cà phê theo một tỷ lệ cho phép và sản phẩm được các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định về an toàn thực phẩm thì sản phẩm cà phê của cơ sở này là “cà phê trộn” sạch. Tuy nhiên cơ sở này không được công bố sản phẩm là cà phê nguyên chất mà cần minh bạch để không bị coi là gian lận thương mại. Ngược lại, những cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê sử dụng hạt cốc rang để thay thế cà phê, dùng những hóa chất không được phép để tạo màu và tạo mùi và đưa sản phẩm ra thị trường không có có nhãn mác thì đó là sản phẩm gian lận và bất hợp pháp. Cà phê của cơ sở này được gọi là “cà phê trộn” bẩn và phải bị cấm lưu hành.

Như vậy, tôi khẳng định, “cà phê trộn” không đồng nghĩa với “cà phê bẩn”. Và, trên thị trường, ngoài sản phẩm cà phê nguyên chất, vẫn đang lưu hành hai loại sản phẩm “cà phê trộn sạch” (cà phê trộn an toàn) được chấp nhận và “cà phê trộn bẩn” (cà phê trộn không an toàn) không được chấp nhận.

Phân biệt giữa phụ gia thực phẩm (PGTP) và hóa chất độc hại (HCĐH)?

Trước hết độc giả cần phân biệt hai khái niệm PGTP và hóa chất độc hại (HCĐH), có thể tóm tắt như sau:

Phụ gia thực phẩm (PGTP): là tất cả những chất được phép sử dụng cho thực phẩm

Hóa chất độc hại (HCĐH): là tất cả các những chất không được phép sử dụng cho thực phẩm

PGTP là những chất được bổ xung vào thực phẩm trong quá trình chế biến, có thể có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, với mục đích làm tăng hương, vị, màu sắc, làm thay đổi những tính chất vật lý, hoá học để tạo điều kiện dễ dàng trong chế biến, hoặc để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, liều lượng thường rất ít.

Để một chất nào đó được đưa vào danh mục PGTP, rất nhiều nhà khoa học về sức khỏe ở nhiều nước trên thế giới phải nghiên cứu rất công phu, tỷ mỷ, được lặp lại nhiều lần và được các cơ quan có thẩm quyền công nhận kết quả nghiên cứu.

Trên thực tế có rất nhiều chất hóa học có khả năng cải thiện rất tốt chất lượng sản phẩm thực phẩm nhưng lại độc hại đối với sức khỏe của con người. Những chất có tính độc hại cao, các nhà khoa học nghiên cứu về sức khỏe đã không đưa vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm, đồng thời các cơ quan chức năng cũng không cho phép sử dụng cho thực phẩm, đây là nhóm hóa chất độc hại (HCĐH) và không được gọi là chất phụ gia thực phẩm (PGTP).

Như vậy không được nhầm lẫn 2 khái niệm PGTP và HCĐH. Danh mục các chất phụ gia thực phẩm đã được tổ chức quốc tế “Ủy ban CODEX về thực phẩm” thông qua và mỗi Quốc gia, tùy theo điều kiện mà công bố một danh mục PGTP cho nước mình.

Một khi người tiêu dùng đã sáng tỏ được tất cả các khái niệm nói trên: Cà phê sạch (cà phê an toàn), cà phê bẩn (cà phê độc hại), cà phê trộn sạch, cà phê trộn bẩn, phụ gia thực phẩm và hoá chất độc hại, thì việc lựa chọn một sản phẩm chất lượng hầu như không còn là vấn đề khó khăn đối với người tiêu dùng nữa.

Theo PGS TS Nguyễn Duy Thịnh

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top