Mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều nên nhu cầu uống nước tăng cao. Nếu biết sử dụng những thứ cỏ cây và thực phẩm dân gian quen thuộc làm nước uống thì bạn sẽ không những vừa đỡ khát vừa tăng cường thải chất độc ra khỏi cơ thể mà lại có thêm tác dụng tuyệt diệu đối với vẻ đẹp và sức khỏe của mình.
Trà xanh:
Cách đây gần 2.000 năm, trà đã được các lương y sử dụng như một vị thuốc giúp con người khỏe và trẻ hơn.
Các nghiên cứu y khoa hiện đại cũng cho thấy, việc uống trà thường xuyên giúp giảm 50% nguy cơ ung thư dạ dày, 40% nguy cơ ung thư da, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh Parkinson và hạn chế sự loãng xương ở người già.
Trà cũng được biết đến như một loại thuốc giải độc công hiệu. Ngoài ra, chất tanin trong lá chè còn có tác dụng làm se niêm mạc ruột, rất hiệu quả trong các trường hợp tiêu chảy cấp.
Bí đao:
Theo các nhà khoa học, việc uống nước bí đao thường xuyên sẽ giúp làn da của bạn trở nên tươi sáng hơn một cách rõ rệt.
Bí đao có khả năng sinh nhiệt thấp, hàm lượng chất béo gần như không và có khả năng làm giảm tích tụ mỡ trong cơ thể, ăn bí đao hoặc uống nước bí đao lâu dài có thể giúp cho bạn có một cơ thể thanh thoát.
Nước lá vối và nụ vối:
Theo Đông y, lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt.
Nụ vối
Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết dịch tiêu hóa, mặt khác chất tanin lại bảo vệ niêm mạc ruột, còn tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không làm tổn hại đến những loại vi khuẩn có ích cư trú tại ống tiêu hóa.
Lá vối
Nước vối có công hiệu giải khát, làm mát và lợi tiểu, giúp đào thải các độc chất trong cơ thể.
Nước đậu nành (sữa đậu nành)
Sữa đậu nành
Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta đều có một tuổi thọ nhất định. Khi cơ thể bị stress, những tế bào liên quan có khả năng tạo ra những chất đặc hiệu, có tác dụng bảo vệ chúng thoát khỏi sự kiểm soát của lão hóa và sự chết đi của tế bào. Chất genistein trong đậu nành đã giúp tạo ra các đáp ứng với stress kiểu này trong tế bào.
Nước đậu đen:
Nước đậu đen
Đậu đen rửa sạch, rang chín, để hộp kín, khi sử dụng cho một ít đậu đen vào cốc nước nóng, ngâm trong vòng 7 phút, thức uống này có tác dụng mát gan, lợi tiểu, giải nhiệt. Tuy nhiên, không nên ngâm lâu, hạt đậu sẽ nhừ, lên men.
Nước dừa:
Trong nước dừa có gần như toàn bộ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, nhiều vitamin nhóm B và chất khoáng.
Nước dừa
Nước quả dừa xanh còn non được các nhà khoa học gọi là “nước khoáng thực vật” vì chứa nhiều vi lượng khoáng cần thiết cho cơ thể và đường ở dạng dễ tiêu hóa. Thứ “nước khoáng thực vật” này có tác dụng làm đẹp da, đen mượt tóc...
Nước râu ngô (bắp):
Trong râu ngô có chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (pyridoxin), vitamin H (biotin), vitamin C, vitamin PP, các flavonoid, acid pantothenic isotol, các saponin, các steroid như sytosterol và sigmasterol, các chất đắng, dầu béo, tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác.
Nước râu ngô
Nước râu ngô có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột được dễ dàng. Uống nước râu ngô còn làm hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông.
Lưu ý:
Uống với lượng vừa phải, tránh lạm dụng quá mức để tránh rối loạn tiêu hóa.
Nên mua đồ tươi về nấu nước uống, hoặc phơi sấy khô, tránh ẩm mốc.
Không nên uống quá nhiều vào buổi tối có thể đi tiểu đêm nhiều.
Theo Ngọc Diệp/Vnexpress.net
Bình luận