Việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp tăng cường nguồn lực con người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ quốc tế.
Ở nước ta, trong những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo sát xao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt ngày 15/4/1999 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg về việc “Tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” trong đó Thủ tướng yêu cầu hàng năm Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức Tháng hành động vì chất lượng VSATTP nhằm vận động toàn thể nhân dân, chính quyền các cấp, các Bộ, ngành, tổ chức xã hội tích cực tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh dịch do ăn uống và lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua công tác bảo đảm VSATTP ở nước ta đã có những kết quả bước đầu hết sức quan trọng:
- Công tác thông tin tuyên truyền đã được đẩy mạnh giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn.
- Công tác thanh tra, kiểm tra đã được duy trì thường xuyên hơn và tăng cường triển khai trong các chiến dịch trọng điểm như tháng hành động vì chất lượng VSATTP, Tết trung thu, Tết nguyên đán đã giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về VSATTP.
- Công tác kiểm nghiệm và phòng ngừa nguy cơ về VSATTP đã được triển khai, đến nay tỷ lệ các vụ ngộ độc thực phẩm xác định được nguyên nhân tăng lên đáng kể, đây là những cố gắng rất lớn để phục công tác quản lý.
- Nhiều mô hình bảo đảm VSATTP đã được triển khai có hiệu quả, bước đầu đã áp dụng thành công các mô hình quản lý tiên tiến ở một số đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm như GAP (Thực hành nông nghiệp tốt), GMP (Thực hành sản xuất tốt), HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) đã tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn hơn cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
- Nổi bật là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP ngày càng đầy đủ và hoàn thiện, đặc biệt là Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm VSATTP. Từ đây, sự phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP đã được cụ thể hoá giữa Bộ Y tế với các Bộ, ngành và nhất là vai trò trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp được cụ thể, rõ ràng hơn.
Thưa quý vị đại biểu!
Có được những thành tựu vừa nêu trên, thay mặt Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự ủng hộ phối hợp của các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND các cấp và của nhân dân trong công tác bảo đảm VSATTP trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn đó là:
- Vấn đề dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc gia cầm, hải sản vẫn chưa kiểm soát được.
- Vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta với gần 90% là chế biến thủ công, hộ gia đình, cá thể. Vì vậy điều kiện VSATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này hầu như không đạt yêu cầu.
- Vấn đề thực phẩm buôn bán trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hiệu quả, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường.
- Vấn đề thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hoá chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhập lậu qua biên giới diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc cho tất cả các cơ quan quản lý và xã hội.
- Ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao…
Hậu quả cuối cùng là ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn còn cao, đặc biệt ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, khu du lịch, lễ hội... gây tổn thất lớn về kinh tế cho việc khắc phục hậu quả và điều trị người bệnh, gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín hàng hoá, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý!
Để bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đón mừng xuân mới Nhâm Thìn 2012 và các lễ hội của dân tộc trong năm 2012, tiếp thu sự chỉ đạo của đồng chí Phó thủ tướng - Trưởng ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế - Thường trực ban Chỉ đạo liên ngành trung ương, Tôi đề nghị:
- Các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng, UBND các cấp và các cơ quan truyền thông phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, đặc biệt trong các dịp Tết, lễ hội như Tết Nguyên đán và trong Tháng hành động vì CLVSATTP theo như chỉ đạo của Chính phủ, để đem lại những kết quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam giai đoạn tới, nhất là trong công tác truyền thông, giáo dục và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Trong đó, đặc biệt Ủy ban nhân dân các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn.
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
- Tôi yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, nhằm từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm như pháp luật đã quy định.
- Đồng thời tôi cũng kiến nghị với Chính phủ có sự quan tâm đầu tư hơn nữa về nhân lực, vật lực, tài lực cho công tác bảo đảm VSATTP.
Nhân đây tôi cũng trân trọng cảm ơn các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đã quan tâm ủng hộ, giúp đỡ Bộ Y tế trong các hoạt động y tế nói chung và bảo đảm an toàn thực phẩm nói riêng trong thời gian qua.
Với mục đích cuối cùng là thực phẩm của Việt Nam bảo đảm an toàn cho người dân sử dụng và đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Với ý nghĩa to lớn ấy, tôi xin tuyên bố khai mạc Lễ phát động Tháng hành động vì CLVSATTP năm 2012.
Kính chúc quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Chúc Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012 thành công tốt đẹp !
Xin trân trọng cảm ơn !
Bình luận