Để chủ động bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai các hoạt động cụ thể như sau:
1. Trước khi có bão, lũ:
- Đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng (đặc biệt là các vùng có nguy cơ bão, lũ cao) cần có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đống chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.
- Các cơ quan thuộc ngành y tế: Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hoá chất, phương tiện, nhân lực... sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm, không để lan rộng.
2. Trong khi bão, lũ xảy ra:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để chế biến thực phẩm.
- Thực hiện ăn chín, uống chín.
- Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Chủ động bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn hàng ngày
- Các cơ quan quản lý ATTP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.
3. Sau khi bão, lũ rút:
- Chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh giếng nước, công trình công cộng bị ô nhiễm, chủ động bổ sung vitamin và rau xanh vào khẩu phần ăn.
- Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng ATTP lưu thông trên thị trường.
- Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng.
Kết thúc mùa bão, lũ đề nghị đơn vị báo cáo kết quả triển khai về Cục ATTP để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.
VFA
Bình luận