Tại Lạng Sơn, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các Sở Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở và đơn vị chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch trên phương tiện vận tải hàng hoá, đặc biệt lưu ý các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ tại các cửa khẩu quốc tế; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhập khẩu động vật gặm nhấm qua biên giới; giám sát bệnh dịch hạch trên người và chuột, bọ chét tại các vùng trọng điểm, khu vực tập trung đông người, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao như: cửa khẩu, kho chứa lương thực, khu chăn nuôi, chợ; chủ động theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm để phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp diệt chuột theo hướng dẫn; tổ chức tập huấn công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm; sẵn sàng các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hoá chất, phương tiện; kịp thời bổ sung kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Tại Bắc Giang, nhằm chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch, Sở Y tế Bắc Giang yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch…) phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Đồng thời, tăng cường giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, vật chủ trung gian truyền bệnh tại các ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao. Chủ động xây dựng các phương án, chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện, trang bị phòng hộ cá nhân và đội cơ động phòng, chống dịch tại đơn vị, để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh xảy ra.
Đối với các đơn vị khám, chữa bệnh từ tỉnh đến huyện, thành phố chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện, khu phòng cách ly, trang bị phòng hộ cá nhân…; việc điều trị bệnh nhân và phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện phải theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, cảng biển
Để chủ động phòng chống không để bệnh dịch hạch lan truyền vào Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dịch hạch cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ngành GTVT, hành khách đi trên các phương tiện giao thông và nhân dân.
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa việt Nam phải chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, cảng biển đối với người, phương tiện và hàng hóa nhập khẩu vào nước ta, tổ chức tiêu diệt chuột trên các phương tiện vận tải xuất phát từ vùng đang có dịch hạch lưu hành nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch hạch để có phương án và biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan dịch trên diện rộng.
Bên cạnh đó, các Bệnh viện, Trung tâm y tế chuyên ngành, Phòng khám đa khoa Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; đảm bảo việc chẩn đoán sớm, chính xác, điều trị có hiệu quả ngay khi có ca bệnh đầu tiên.
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm thuộc nhóm A do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên, bệnh tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây truyền sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với động vật mang nguồn bệnh hoặc thông qua nước bọt của người bệnh khi ho. Ở nước ta ca bệnh mắc gần nhất được ghi nhận vào tháng 08/2002 tại Đắk Lắk. Mặc dù sau 12 năm trở lại đây không ghi nhận trường hợp mắc dịch hạch, nhưng nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào nước ta là rất lớn. |
Nguồn: Baodientu.chinhphu.vn
Bình luận