Áp dụng thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là một trong những chủ trương quyết liệt của Bộ Y tế trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương này bắt đầu từ tháng 8/2014. Phóng viên (PV) báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế để tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn và lợi ích của dịch vụ này trong quá trình thực hiện.
PV: Thưa ông, Cục ATTP đã triển khai dịch vụ công cấp độ 4 từ bao giờ và với những lĩnh vực nào? Đến thời điểm hiện tại, kết quả đã thực hiện như thế nào?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Cục ATTP đã triển khai dịch vụ công cấp độ 4 đối với các lĩnh vực sau: từ ngày 1/8/2014, đã triển khai cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế; từ ngày 9/9/2014, cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và từ 17/12/2014, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP.
Cho tới thời điểm hiện tại, Cục đã xử lý 1.295 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; 15.667 giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; 124 hồ sơ đang xử lý để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP.
PV: Qua một thời gian thực hiện, theo ông, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 mang lại ích lợi gì cho doanh nghiệp (DN) và nhà quản lý?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Về phía DN sẽ tiết kiệm tiền bạc, công sức do đi lại thay vì phải mang hồ sơ đến tận nhà quản lý như trước. DN chỉ cần thao tác trên máy tại mọi thời điểm ngay cả khi đang đi công tác. DN thực hiện tất cả các thao tác qua mạng với 4 bước để hoàn thành một hồ sơ cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. (Đó là: khai báo hồ sơ qua mạng; nộp phí thẩm xét hồ sơ qua mạng; chờ kết quả thẩm xét qua mạng; nhận kết quả dạng văn bản số có chữ ký số và dấu số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho Cục ATTP). Rút ngắn thời gian chờ đợi đối với DN vì thời hạn tối đa từ khi nhận hồ sơ đến khi trả hồ sơ cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm là 10 ngày. Nếu quá 10 ngày, hồ sơ của DN trên mạng sẽ thể hiện ở trạng thái quá hạn. Khi đó, phía cơ quan quản lý phải giải trình với DN.
DN dễ dàng trao đổi kết quả với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc giám sát DN chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực ATTP như có các điều kiện: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.
Về phía nhà quản lý bảo đảm công khai, minh bạch, thao tác trong việc cấp giấy chứng nhận trực tuyến bằng cách cán bộ Cục ATTP và cán bộ các Chi cục ATTP tại các địa phương chỉ cần đăng nhập vào hệ thống để tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận cho DN. Như vậy sẽ không phải tiếp xúc trực tiếp với DN. Hơn nữa, cán bộ quản lý và chuyên viên xử lý có thể theo dõi hồ sơ tại bất kỳ bước xử lý nào, tình trạng nào giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ.
Nhà quản lý không phải lưu hồ sơ giấy, mất chi phí thuê kho lưu hồ sơ như trước, thuận tiện trong việc tra cứu các giấy xác nhận đã được cấp.
PV: Bên cạnh những thuận lợi, xin ông cho biết, những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện dịch vụ công cấp độ 4; định hướng phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của Cục ATTP trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Thực tế, không phải DN nào cũng có đầy đủ điều kiện và nhân lực có trình độ để sử dụng CNTT. Không ít DN kinh doanh hộ gia đình thời gian qua phải tới Cục để các chuyên viên hướng dẫn mới có thể làm được. Về phía cơ quan quản lý cũng phải thay đổi thói quen làm việc qua mạng. Trước đây, các chuyên viên quản lý hồ sơ qua lưu giấy tờ, văn bản, giờ phải sử dụng thành thạo CNTT.
Với nhiều tiện ích trong việc sử dụng CNTT, Cục ATTP dự định chậm nhất tới tháng 6/1015 sẽ tiếp tục áp dụng, ứng dụng CNTT trong triển khai dự án hải quan một cửa quốc gia, nâng cấp và duy trì hệ thống dịch vụ công đang triển khai, tiếp tục duy trì hoạt động đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức và đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về dịch vụ công đến các tầng lớp nhân dân, DN. Bên cạnh đó, từng bước triển khai dịch vụ công cấp độ 4 tại các tỉnh thành phố lớn và nhân rộng mô hình này ở các tỉnh, thành phố còn lại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận