Trái vải Việt Nam "đến" nhiều nước

Ngày đăng: 08/06/2015 - Lượt xem: 4022

Ngoài Mỹ và Úc, trái vải VN đã được bán tại Hàn Quốc, Pháp, sắp tới là Nhật, Malaysia, Singapore, Israel... Thị trường vải ngày càng được mở rộng.

Lô vải thiều đầu tiên tại Hải Dương chuẩn bị xuất sang thị trường Úc và Mỹ đã được thu hoạch tại thị xã Chí Linh và huyện Thanh Hà chiều 7-6, được đánh giá đạt chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu khiến nhiều nông dân trồng vải thở phào nhẹ nhõm.

Ngoài Úc và Mỹ, hàng loạt thị trường khác trong khu vực đã ký cam kết nhập khẩu trái vải VN dù với số lượng chưa nhiều, cũng là một tin vui đối với người trồng vải ngay trong vụ thu hoạch rộ năm nay.

Không chỉ vui vì trái vải được bán với giá cao hơn nhiều so với các mùa thu hoạch trước, việc có thêm nhiều thị trường tiêu thụ cũng giúp nông dân bớt phập phồng với chuyện bị ứ hàng và ép giá.

Sẽ mở rộng vùng trồng vải đạt chuẩn xuất khẩu

Đứng giữa vườn vải rộng ngút ngàn, chuẩn bị được thu hoạch đem đi xử lý trước khi xuất khẩu sang Úc và Mỹ, chị Hoàng Thị Nụ (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh) cho rằng chưa nói đến chuyện chăm sóc vất vả, điều mà người trồng vải quan tâm nhất là sản phẩm có thêm thị trường tiêu thụ và đặc biệt bán được giá.

“Chỉ cần trên 10.000 đồng là mừng rồi, phấn khởi còn gì bằng” - chị Nụ nói. Những mùa thu hoạch vải trước, có lúc trái vải tại vườn xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg, rồi bị thương lái “chê lên chê xuống”, bao nhiêu công chăm sóc coi như ngậm đắng 
đổ bỏ hết.

Do đó, khi các doanh nghiệp mới đây đến tìm hiểu và ký cam kết mua với giá trên 10.000 đồng/kg vải tươi để xuất khẩu, nông dân như trút được gánh nặng bởi không còn lo bị ép giá, mất giá như những năm trước do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tiêu thụ nội địa.

“Họ chưa cam kết xuất đi bao nhiêu, nhưng có thêm một số thị trường khác tiêu thụ quả vải thay vì chỉ có thị trường nội địa và Trung Quốc thì nông dân tụi tui an tâm hơn rồi, không còn phập phồng với đầu ra của quả vải cũng như bị ép giá nữa” - chị Nụ cho biết.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, đến nay vùng vải trồng đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính mới chỉ có tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh. Trong mùa vụ xuất khẩu năm nay, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ các vùng vải đạt chuẩn. Nếu sản lượng khả quan, chắc chắn sẽ lựa chọn thêm nhiều hộ, nhiều vùng trồng để mở rộng diện tích và gia tăng việc xuất khẩu, tăng giá trị cho trái vải địa phương.

Mặc dù không thuộc vùng trồng đạt chuẩn để xuất đi nước ngoài nhưng nhiều nông dân tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) khẳng định vẫn học tập và trồng, chăm sóc theo quy chuẩn nhằm đáp ứng tiêu chí được xuất khẩu vào những mùa thu hoạch sau.

Chị Phạm Thị Hằng (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà) cho biết năm nay nhà chị thu hoạch 5 tấn vải, nhiều hơn năm ngoái nhưng chưa lọt vào diện được xuất khẩu nên cũng thấy... tiếc. “Điều quan trọng nhất là ổn định giá bán, chứ giá phập phù hay bán cho Trung Quốc như hiện nay rẻ thì chán lắm. Hi vọng năm sau mình được tham gia” - chị Hằng nói.

Chưa nhiều nhưng thêm kênh tiêu thụ

Ông Hoàng Trung - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT - cho biết đến thời điểm này sự chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu trái vải sang các thị trường khó tính đang được gấp rút hoàn tất, đặc biệt là xây dựng bản đồ chiếu xạ.

Theo ông Trung, hiện nhà máy chiếu xạ tại TP.HCM đủ khả năng đáp ứng nhu cầu chiếu xạ trái vải để xuất khẩu do lượng hàng xuất chính ngạch chưa nhiều. Khi trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội hoàn tất nâng cấp với công suất có thể lên tới 20 tấn/ngày, không chỉ trái vải mà nhiều loại nông sản khác cũng sẽ được xử lý.

“Đã có một lô vải được xuất đi Mỹ từ Bắc Giang. Do đó có thể nói đến lúc này chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu về yếu tố kỹ thuật để xuất khẩu loại nông sản này sang các thị trường, bởi Mỹ là một trong những thị trường khó tính nhất đối với hàng nông sản nhập khẩu” - ông Trung khẳng định.

Cũng theo ông Trung, đây là một sự khởi đầu rất quan trọng, do VN đã bắt đầu bước chân vào những thị trường mà nhiều năm qua đã dày công xây dựng, không còn lo phụ thuộc vào một thị trường nào, đồng thời mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông sản khác nếu đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong quá trình sản xuất và xử lý kỹ thuật.

Ông Mai Xuân Thìn - đại diện Công ty Rồng Đỏ, đơn vị mua vải của nông dân để xử lý, xuất đi các nước - cho biết tùy thuộc vào từng thị trường và nhu cầu sẽ mua của nông dân, nhưng ngay trong tuần này Công ty Rồng Đỏ sẽ đưa sang Mỹ và Úc sản lượng 6 - 10 tấn vải.

“Tiềm năng cho trái vải vào các thị trường này hiện rất lớn, ví dụ như Úc có thể tiêu thụ vài chục tấn mỗi ngày” - ông Thìn nói. Theo ông Thìn, quy trình cho trái vải đi Mỹ và Úc cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép, đóng gói và xử lý chiếu xạ để diệt vi khuẩn trước khi xuất.

Ngoài Mỹ và Úc, trái vải VN đã được bán tại Hàn Quốc, Pháp và sắp tới là Nhật, Malaysia, Singapore, Israel thông qua đường xuất khẩu chính ngạch với sản lượng theo cam kết ban đầu khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, các lô đã xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp đều nhỏ lẻ, từ 0,5 - 5 tấn, khó cân bằng cán cân thị trường xuất khẩu vốn lệch hẳn sang thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận Mỹ và Úc đã mở cửa cho trái vải VN nhưng với các thị trường khó tính, để được họ chấp nhận, khó kỳ vọng có khối lượng xuất khẩu lớn vào các thị trường lớn này trong 1 - 2 năm đầu như mùa vải năm nay cũng như năm 2016.

Vải thiều vào Pháp tiêu thụ nhanh

Ngày 8-6, Bộ Công thương công bố báo cáo của Cơ quan Thương vụ VN tại Pháp (kiêm nhiệm Bồ Đào Nha, Monaco, Andora, Cộng hòa Trung Phi) cho biết lô hàng 500kg vải thiều VN vừa xuất sang Pháp đã tiêu thụ hết.

Cụ thể, lô vải thiều đặc sản đầu tiên của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đến Paris đúng 7g sáng 4-6. Sau khi được Hải quan và Thanh tra kiểm dịch thực vật Pháp kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện, 500kg vải thiều nhanh chóng được vận chuyển tới bốn siêu thị tại Paris và thành phố Ivry-sur-Seine. Đến cuối ngày 6-6, toàn bộ số vải thiều đã được tiêu thụ hết.

Từ sự phản ứng thuận lợi của thị trường, Thương vụ VN tại Pháp cho biết Công ty Thanh Bình Jeune (đơn vị nhập lô hàng đầu tiên vào Pháp kể trên) dự kiến nhập khẩu tiếp một số lượng lớn hơn vải thiều Việt Nam tới Pháp và một số nước thành viên EU thời gian tới.

C.V.KÌNH

Hà Nội hỗ trợ Hải Dương

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản giao Sở Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, các loại trái cây và mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương ngay trong tháng 6-2015.

Theo đó, việc tiêu thụ vải thiều sẽ do Sở Công thương Hải Dương làm đầu mối cung cấp thông tin về doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh doanh trái cây... UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng kinh tế, ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, các loại trái cây và mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương.

X.LONG

Phía Nam chiếm 43% lượng vải tiêu thụ nội địa

Ông Võ Văn Quyền - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương - cho biết thị trường trái vải tươi nội địa tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM... Trong đó các tỉnh phía Nam chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Đối với thị trường xuất khẩu nông sản nói chung và trái vải nói riêng, ông Quyền cho biết VN đang tiếp tục đàm phán một cách tích cực các hiệp định thương mại tự do, mà nội dung quan trọng luôn được cân nhắc là làm sao tăng ưu thế của các sản phẩm xuất khẩu của VN, trong đó có nông sản.

Theo Tuoitre.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top