Triển khai “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2012

Ngày đăng: 25/12/2011 - Lượt xem: 14783

Thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

“Từ năm 1999 hàng năm tổ chức Tháng hành động vì chất lượng VSATTP để huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền địa phương, các Bộ, các cơ quan tham gia vào việc tích cực phòng, chống ngộ độc thức ăn, bệnh dịch do ăn uống và lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 19/12/2011 và căn cứ thực tế công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua, dự báo diễn biến tình hình năm 2012, Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2012 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động) sẽ được triển khai như sau:

I. CHỦ ĐỀ “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM” NĂM 2012:

Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (CLVSATTP) tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, về lâu dài ảnh hưởng đến nòi giống dân tộc. Ngoài ra, CLVSATTP còn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.

Ở nước ta, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự cố gắng của ngành y tế, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các cấp, những năm qua công tác quản lý CLVSATTP đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng.

Tuy nhiên chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, các sự kiện tập trung ăn uống đông người, các ngày lễ lớn.

Tết dân tộc và các dịp Lễ hội là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bùng phát và gia tăng. Dịch vụ ăn, uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội thường là hoạt động kinh doanh thời vụ, có nơi phát triển tự phát, do đó, khó tránh khỏi các vấn đề không bảo đảm CLVSATTP. Nhằm nâng cao vai trò của UBND các cấp, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ ăn uống, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo đảm CLVSATTP, phổ biến tuyên truyền các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đến nhân dân, mong muốn người dân cả nước đón Tết, lễ hội cổ truyền an khang, hạnh phúc, bảo đảm sức khỏe nhân dân, Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức triển khai Tháng hành động quốc gia vì chất lượng VSATTP năm 2012 với chủ đề:

“Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các Lễ hội”

II. MỤC TIÊU:

- Giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong các dịp Tết dân tộc và trong thời gian diễn ra Lễ hội so với cùng kỳ năm 2011.

- Huy động các kênh truyền thông phổ biến đến 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt các cơ sở cung cấp thực phẩm phục vụ Tết dân tộc và các Lễ hội.

III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI:

- Thời gian: 10/01/2012 đến 10/02/2012.

- Phạm vi triển khai: Trên phạm vi cả nước.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG:

Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì CLVSATTP” còn là điểm nhấn trong năm, tạo lên đợt cao điểm, phát động một “chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì CLVSATTP” và chiến dịch thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên phạm vi cả nước, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Trong đó, đặc biệt chú ý đến các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là nhận thức và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với chủ đề chính của năm 2012 như đã nêu, các hoạt động chính được triển khai như sau:

1. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Tại Trung ương: Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trung ương, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2012 tại Hà Nội.

- Tại địa phương: Tổ chức Hội nghị phổ biến Kế hoạch triển khai Tháng hành động tại tất cả các tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/ phường, các nơi tập trung đông người nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm..

2. Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: (xem phụ lục 1)

- Huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội, quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương.

- Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để giáo dục, phổ biến các nội dung của Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kiến thức khoa học về VSATTP.

- Nội dung tuyên truyền: Tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về VSATTP trong dịp Tết dân tộc, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

3. Thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLVSATTP: (xem phụ lục 2)

- Tại Trung ương:

Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP Trung ương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành kiểm tra việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện chỉ đạo của Trung ương đối với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của Ban chỉ đạo VSATTP và các Ban, ngành chức năng của địa phương và một số huyện, thị, xã phường; kiểm tra thực tế tại các cơ sở thực phẩm. Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra tiến hành nhận xét, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 08 và triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2012; đề xuất các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP từ Trung ương đến địa phương.

- Tại các địa phương:

Căn cứ kế hoạch triển khai “Tháng hành động” năm 2012 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh (Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh) chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra Tháng hành động tại địa phương và triển khai thực hiện từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; Chuẩn bị nội dung báo cáo của địa phương với các đoàn thanh tra, kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP Trung ương; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo các nội dung hướng dẫn.

Yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra tổ chức thành phần đủ quyền lực và chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, mẫu biểu thanh, kiểm tra thống nhất, chuẩn bị dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh, xử lý kịp thời các vi phạm góp phần lập lại “kỷ cương phép nước” trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đem lại lòng tin cho người tiêu dùng.

4. Công tác báo cáo tổng kết Tháng hành động”:

Kết thúc “Tháng hành động” Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các địa phương và các Ban, ngành, đoàn thể liên quan báo cáo kết quả hoạt động về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP Trung ương (bộ phận tổng hợp: Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – 135 phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội; Tel: (04) 3846.44.89 số máy lẻ 5070; Fax: 04- 3846.37.39; Email: ttgdtp@yahoo.com) trước ngày 29/02/2012 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

V. NGUỒN LỰC:

1. Kinh phí: Nguồn kinh phí có thể huy động:

- Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012.

- Kinh phí hỗ trợ của các địa phương, Bộ, ngành hoặc của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.

- Kinh phí huy động từ cộng đồng.

2. Tài liệu:

          - Băng video, cassete: “Thông điệp tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012”.

- Băng cassete: “Thông điệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết nguyên đán”: 80 băng.

- Băng video: “Thông điệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết nguyên đán”: 80 băng.

- Các địa phương chủ động xây dựng tài liệu truyền thông cho địa phương. Tài liệu tham khảo dựa trên các tài liệu đăng trên trang web của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm: www.vfa.gov.vn mục Truyền thông.

VI. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI:

1. Cơ quan chủ trì:

a) Tại Trung ương:

- Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP.

- Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) là cơ quan thường trực.

b) Tại địa phương:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, xã, phường.

- Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Y tế quận, huyện, Trung tâm Y tế quận, huyện, Trạm Y tế xã, phường là cơ quan thường trực.

2. Cơ quan phối hợp:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục Đào tạo;  Bộ Giao thông vận tải; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam.

3. Các tổ chức, đoàn thể, quần chúng:

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;  Hội Nông dân Việt Nam; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Đồng Đội Trung ương; Liên hiệp Hội Thanh niên Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ; Hội Cựu chiến binh; Hội Người cao tuổi Việt Nam; Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam; Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng; Hội Dinh dưỡng Việt Nam; Hiệp hội Thực phẩm chức năng.

- Quá trình triển khai thực hiện theo hướng các cơ quan quản lý trung ương, địa phương chỉ đạo, giám sát việc tuyên truyền, thực thi pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuyệt đối chấp hành các quy định của pháp luật và áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; Người tiêu dùng cùng với các đoàn thể quần chúng và chính quyền tham gia việc giám sát thực hiện cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; Tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm, biết chất, đồng thời tố cáo các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.

VII. TIẾN TRÌNH THỰC HIỆN:

1. Xây dựng kế hoạch “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2012 và phân công tổ chức triển khai thực hiện:

          - Tại Trung ương:                                                 Trước 01/01/2012.

- Tại địa phương:                                        Trước 06/01/2012.

2. Cấp phát tài liệu:                                             Trước 06/01/2012.

3. Triển khai chiến dịch tuyên truyền:                           Từ 01/01 đến 10/02/2012.

4. Tổ chức Lễ phát động:                                     Từ 06/01 đến 10/01/2012.

5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra:                                      Từ 10/01 đến 10/02/2012.

6. Báo cáo, tổng kết:                                            Từ 10/02 đến 29/02/2012.

 

 

Nơi nhận:

- TTg Nguyễn Tấn Dũng (để báo cáo);

- PTTg Nguyễn Thiện Nhân (để báo cáo);

- VP Chính phủ (để báo cáo);

- Thành viên BCĐ liên ngành TƯ về VSATTP;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;

- Sở Y tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;

- Các Chi cục ATVSTP;

- Các Bộ, ngành, đoàn thể như Kế hoạch;

- Viện KN ATVSTP QG, DD, VSYTCC,

Pasteur Nha Trang, VSDT Tây nguyên;

- Báo SKĐS, Trung tâm TTGDSK Bộ Y tế;

- VP Bộ Y tế, Vụ KHTC, Vụ PC, TTrB;

- Website Cục ATVSTP;                                         

- Lưu: VT, ATTP.                               

KT. TRƯỞNG BAN

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC

 (Đã ký)

 

 

 

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Nguyễn Thị Kim Tiến

 

Tải phụ lục tại đây

Tải bản có dấu tại đây pdf

Tải công văn tại đây

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top