Theo nội dung Thông tư, Bộ Y tế đã bãi bỏ toàn bộ 28 văn bản và bãi bỏ 1 phần 02 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, trong đó có 08 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm theo nguyên tắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong giai đoạn gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng vẫn bảo đảm tăng cường quản lý chất lượng các mặt hàng nhập khẩu, đáng chú ý như bãi bỏ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9/4/2014 của liên bộ: Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; bãi bỏ các quy định trong Thông tư số 52/2015/TT_BYT ngày 21/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế trừ các quy định liên quan đến hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận y tế đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu; bãi bỏ một phần của Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm về quy định chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật của B.cereus đối với sản phẩm Thức ăn khô và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, thức ăn thay thế đặc biệt (phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng) và Thức ăn khô và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, thức ăn thay thế đặc biệt (dùng trực tiếp, không qua xử lý nhiệt trước khi sử dụng) thuộc mục 6.9 Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong thức ăn đặc biệt tại Phần 6. Giới hạn vi sinh vật trong thực phẩm của Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm được ban hành kèm theo Quyết định.
Ngoài ra, Thông tư số 29/2020/TT-BYT đã sửa đổi một số điều của Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Lĩnh vực an toàn thực phẩm đã bãi bỏ một số lượng lớn các văn bản không còn phù hợp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm trong việc cải cách hành chính.
VFA
Bình luận