Trong đó, điện ảnh Việt đã có không ít tác phẩm tiêu biểu về các thầy thuốc cũng như thành tựu y khoa được khán giả đón nhận và các bộ phim này được ví như một “biên niên sử bằng hình ảnh” về lịch sử hoạt động của ngành y tế Việt Nam.
Từ phim điện ảnh, truyền hình
Thực tế cho thấy, phim Việt thời gian qua chủ yếu thường xoay quanh những chủ đề quen thuộc như câu chuyện tình yêu hoặc đề tài tuổi mới lớn vui tươi, trẻ trung... Trong khi đó, phim lịch sử ở ta khó làm, phim hành động lại càng khó vì kinh phí, đầu tư lớn. Do đó, khai thác vào ngành, nghề để “đổi món” cho khán giả là hướng mới của các nhà làm phim nước ta khoảng hơn 10 năm qua, trong đó có một số phim về hình ảnh người bác sĩ, ngành y nói chung. Điều này tạo nên sự phong phú cho nền điện ảnh Việt.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa “O du kích nhỏ” - bà Nguyễn Thị Kim Lai, nhân vật chính trong phim tài liệu Cuộc hội ngộ sau 30 năm tại lễ khai mạc Những ngày phim Y tế Việt Nam 2019.
Bộ phim điện ảnh về đề tài bác sĩ ra rạp gần đây nhất ở nước ta và được chiếu ở một số cụm rạp tại Mỹ là Giấc mơ Mỹ (đạo diễn Davina Hồng Ngân) là một minh chứng. Dù doanh thu phòng vé không phải ở mức “khủng” nhưng Giấc mơ Mỹ để lại ấn tượng với người xem khi đề cập đến các vấn đề chuyên môn về y khoa cũng như đam mê, hoài bão và tâm huyết của các y bác sĩ. Xem Giấc mơ Mỹ, khán giả nhìn thấy một bác sĩ Hoàng Linh kiên cường, quyết đoán, bản lĩnh, trách nhiệm và yêu nghề dù nhiều lúc cô gặp bao khó khăn, thử thách...
Ngược dòng thời gian, 30 tập phim Anh em nhà bác sĩ làm lại từ phiên bản gốc của Hàn Quốc cũng được nhiều khán giả chú ý. Anh em nhà bác sĩ phiên bản Việt là câu chuyện diễn ra tại một bệnh viện về ngoại khoa do ông An Phước làm Viện truởng (NSƯT Bảo Quốc thủ vai). Bác sĩ Minh Hùng (Minh Luân đóng) làm việc chung khoa ngoại với người anh ruột là bác sĩ Minh Tâm (Chi Bảo). Trong một lần tình cờ biết đuợc thân phận thật cũng như những góc khuất, Minh Hùng đã tìm cách trả thù ông An Phước. Cuối phim, bác sĩ Minh Hùng phát hiện ra mình bị ung thư não nên đã hiến giác mạc của mình cho anh trai. Bộ phim đã khắc họa những con người tốt dám xả thân cứu người, những gương hy sinh lặng thầm của người trong nghề y, đồng thời nhắn gửi khán giả có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về những thầy thuốc luôn nỗ lực hết mình để cứu chữa, chăm sóc cho người bệnh. Bên cạnh đó, tuy không tập trung nhiều về nghề y nhưng bộ phim Nơi tình yêu bắt đầu (30 tập, đạo diễn Hồ Ngọc Xum) cũng khai thác đậm vai trò người bác sĩ qua Sinh Hy. Trong phim, bác sĩ Sinh Hy vốn là đứa trẻ mồ côi, bị dị tật hở hàm ếch, được các bác sĩ làm việc ở tổ chức phẫu thuật quốc tế chữa khỏi và lớn lên Sinh Hy trở thành bác sĩ giúp đỡ, cứu chữa nhiều bệnh nhân.
Poster các bộ phim tài liệu chiếu trong Những ngày phim Y tế Việt Nam 2019.
Đến “biên niên sử hình ảnh” trong phim tài liệu
Nhắc đến điện ảnh về ngành không thể bỏ qua dòng phim tài liệu. Đặc biệt, Kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019), Bộ Y tế và Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương đã tổ chức “Những ngày phim Y tế Việt Nam 2019” tại Hà Nội. 10 bộ phim tài liệu trình chiếu lần này rất đa dạng, giàu giá trị nghệ thuật và ghi lại một phần những hoạt động của ngành y tế Việt Nam từ năm 1970 đến nay và tôn vinh các tấm gương tiêu biểu đã hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đó là phim Giáo sư Tôn Thất Tùng - Người thầy tôn kính (sản xuất 2016, đạo diễn Đào Đức Thanh) kể về Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng - người thầy thuốc đã làm nhân loại kinh ngạc bởi những phát minh mới mẻ về lĩnh vực phẫu thuật gan khi chỉ mới 27 tuổi. Rất nhiều học trò qua nhiều thế hệ của Giáo sư Tôn Thất Tùng đã trở thành những giáo sư đáng kính của ngành y tế nước nhà. Và trong phim, những thế hệ học trò ấy xuất hiện và vẫn chắt chiu, ghi nhớ các kỷ niệm về Giáo sư Tôn Thất Tùng trong trái tim mình.
Cuộc hội ngộ sau 30 năm (đạo diễn Lê Mạnh Thích, sản xuất 1995) lại là những thước phim cuộc đời o du kích nhỏ Nguyễn Thị Kim Lai, người đã bắt sống giặc lái Mỹ năm 1965 tại Hà Tĩnh. Sau ngày hòa bình, bà trở thành một y tá tận tụy công việc. Nữ y tá Nguyễn Thị Kim Lai là hiện thân của tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, nhưng đầy tính nhân bản, luôn đề cao y đức. Trong khi đó, bộ phim tài liệu Giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại (2014, đạo diễn Hoàng Hà Lê) lại đề cao nghĩa cử tốt đẹp của rất nhiều người, nhiều gia đình đã sẵn sàng hiến máu để giúp hàng triệu người qua khỏi những giây phút hiểm nghèo để hồi sinh. Ứng dụng công nghệ ECMO tại Việt Nam của đạo diễn Dương Ngọc Hòa, Trịnh Quang Tùng sản xuất 2014 lại đề cập đến quá trình tìm hiểu, học hỏi và triển khai ứng dụng công nghệ tim và phổi nhân tạo của tập thể giáo sư, bác sĩ, y tá, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai để cứu sống những bệnh nhân nặng, đã chết lâm sàng...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh tài liệu đã tạo nên một biên niên sử bằng hình ảnh vô cùng đáng quý về lịch sử hoạt động của ngành y tế Việt Nam, giúp các lớp cán bộ y tế hiểu rõ hơn về lịch sử của ngành mình, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống và thành tựu của các thế hệ đi trước”.
Bình luận