Bộ Y tế kiểm tra doanh nghiệp vừa chống dịch vừa sản xuất sẽ đảm bảo ăn, ở như thế nào?

Ngày đăng: 16/07/2021 - Lượt xem: 12424

Ngày 15/7, Tổ công tác của Bộ Y tế giúp TP.Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 cùng một số cơ quan quận Tân Phú đã kiểm tra và đưa ra những định hướng để doanh nghiệp bố trí ăn, ở cho người lao động tại cơ sở được tốt hơn. Đặc biệt là ở công ty sản xuất mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu đời sống hàng ngày.

Bảo đảm sản xuất hàng thiết yếu gắn với phòng dịch

Tại Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty VIFON, Quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) làm việc với Tổ công tác, ông Nguyễn Xuân Dũng, Quản đốc công ty khẳng định: Là công ty sản xuất thực phẩm, nhất là các loại mì gói lớn của cả nước, việc đảm bảo y tế, phòng dịch và an toàn thực phẩm là cần thiết. Hiện tại công ty có 500/1200 người làm việc và ăn, ở tại chỗ. Mỗi người một chỗ ngủ, có chăn, gối, vòm chụp, bố trí quạt, cửa thông gió đầy đủ. Đặc biệt, mỗi chỗ ngủ đều được đánh mã số tương ứng với mã số nhân viên, người lao động phải ngủ đúng chỗ của mình.

                     Tổ công tác kiểm tra chỗ ngủ, nghỉ của người lao động Công ty VIFON

Để đảm bảo đời sống, sức khỏe cho người lao động, ông Dũng cũng cho biết, tất cả người làm việc giữa những ngày đại dịch đều được test nhanh với COVID-19, tăng 60% lương cho khối văn phòng, 70% cho khối sản xuất. Ngày ăn ba bữa tương ứng số tiền hơn 80.000 đồng/người. Ngoài ra còn bồi dưỡng thêm sữa. Tất cả thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K theo Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Công Chánh, Phó chủ tịch UBND Quận Tân Phú thông tin: UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành công văn 2337/UBND-TH chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Đồng thời đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Tại quận Tân Phú đã có 16 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đăng ký hoạt động theo văn bản trên với khoảng hơn 3.000 lao động. Trong Khu công nghiệp Tân Phú cũng có 21 doanh nghiệp đăng ký với khoảng gần 3.000 lao động. Các ban, ngành của thành phố cũng như quận giám sát rất chặt chẽ. Toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp được đo thân nhiệt mỗi ngày. Cùng với đó xây dựng các phương án phòng, chống dịch khi có xảy ra các trường hợp F0 trong doanh nghiệp để ứng phó kịp thời.

                   Tổ công tác kiểm tra khu nhà ăn dành cho người lao động Công ty VIFON

Để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế thì mỗi nhà, mỗi người, mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải chấp hành tốt các quy định phòng dịch. Xem mục tiêu đảm bảo sức khỏe của người dân là trên hết nên từ từ 15/7, các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh không đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 phải dừng hoạt động.

Tổ công tác chỉ ra nhiều giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn

Dẫn đầu Tổ công tác của Bộ phận thường trực Bộ Y tế có mặt tại Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra thêm nhiều giải pháp góp phần đảm bảo an toàn hơn, phòng dịch tốt hơn cho doanh nghiệp và người lao động.

 

 

Ông Nguyễn Hùng Long chỉ ra một số giải pháp bảo đảm an toàn phòng dịch COVID-19 ngay từ nhà ăn

Kiểm ta khu nhà ăn của Công ty VIFON, ông Nguyễn Hùng Long cho biết: Các vách ngăn ở bàn ăn phải cao hơn mặt người lúc công nhân ngồi ăn cơm. Như vậy mới bảo đảm phòng dịch tốt, nếu người nọ nói người đối diện cũng không sợ giọt bắn. Nên chia ra mỗi phân xưởng ngồi ăn riêng trong một phân khu của nhà ăn. Sau đó rồi đánh số hoặc mã chỗ ngồi ăn tương ứng với mỗi người. Như vậy, nếu không may một phân xưởng có ca liên quan COVID-19 sẽ truy vết, xử lý tốt hơn vì đã biết ai ngồi ở đâu, mã số nào. Về suất ăn của người lao động, ông Long nhấn mạnh: Phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cả người vận chuyển, chở các khẩu phần ăn đến cho công ty.

Để đáp ứng bước đầu xử lý các sự cố sức khỏe cho người lao động, Công ty VIFON đã bố trí phòng y tế trong công ty. Tổ công tác của Bộ Y tế nhấn mạnh: Bộ phận y tế doanh nghiệp ngoài làm tốt việc phòng dịch, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn thì phải chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm. Lấy mẫu chỗ chia phần ăn nghiêm túc, lưu cẩn thận.

 

 

Ông Nguyễn Công Chánh tiếp thu các góp ý của Tổ công tác 

Tại nơi nghỉ, ngủ và việc đeo khẩu trang phòng dịch của người lao động, ông Nguyễn Hùng Long khuyến cáo: Doanh nghiệp cần bảo đảm nhà vệ sinh tốt, nhiều nơi đã lây nhiễm bệnh từ chính nhà vệ sinh. Việc đeo khẩu trang trong công ty phải đeo cho đúng. Nếu đeo rồi thấy nóng kéo xuống hay tay mồ hôi cầm kéo khẩu trang nhiều rồi quẹt tay lên mặt là không nên. Hiệu quả phòng dịch từ việc đeo khẩu trang rất tốt.

Đối với việc hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của doanh nghiệp cần phải phân công cụ thể cho từng thành viên trong từng tổ. Khi đánh giá mức độ an toàn hay nguy cơ thì phải chia nhỏ ra đánh giá từng phân xưởng để chấm điểm chứ không đánh giá chung chung. Như vậy hiệu quả không cao. Chia nhỏ ra đánh giá để chỗ nào nguy cơ cao có biện pháp xử lý phù hợp ngay.

Tiếp nhận các đóng góp của Tổ công tác, ông Nguyễn Công Chánh cho biết: Lúc đầu ta cứ đánh giá chung toàn công ty là ngộ nhận. Thực tế đúng như anh Long phân tích, trong doanh nghiệp có rất nhiều phân xưởng thêm cả khối siêu thị nữa. Thế nên phải đánh giá riêng rồi tổng hợp lại mới có điểm số chính xác hơn.

Theo Hà Văn Đạo - suckhoedoisong.vn

Bình luận

Tin cùng mục

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top