Giữ nguyên quy định công bố chất lượng sản phẩm trước khi ra thị trường

Ngày đăng: 15/08/2017 - Lượt xem: 4788

Theo Bộ Y tế, việc tiền kiểm đối với các sản phẩm đã qua chế biến, đóng gói sẵn là điều rất cần thiết và cần phải áp dụng tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, việc tiền kiểm đối với các sản phẩm đã qua chế biến, đóng gói sẵn là điều rất cần thiết và cần phải áp dụng tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, Bộ Y tế vừa trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật ATTP.

Theo đó, dự thảo đã bỏ một số quy định như: Miễn đăng ký sản phẩm đối với những nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu; miễn ghi nhãn tiếng Việt đối với sản phẩm nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu; miễn kiểm tra Nhà nước đối với hàng thực phẩm nhập khẩu để bán trong các cửa hàng miễn thuế; sản phẩm đã công bố không cần công bố lại khi thay đổi cách đóng gói...

Đặc biệt, trong dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất không bỏ quy định công bố chất lượng sản phẩm đối với các sản phẩm đã qua chế biến, đóng gói sẵn trước khi bán ra thị trường.

Trước đó, trong quá trình lấy ý kiến soạn thảo dự thảo, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam có kiến nghị bỏ quy định đăng ký công bố chất lượng, ATTP đối với các sản phẩm đã qua chế biến, đóng gói sẵn, để phù hợp với các nước phát triển đang thực hiện như Nhật Bản, Mỹ, Singapore… Kiến nghị này cũng được đưa ra với lý do các vụ ngộ độc liên quan đến sản phẩm đã qua chế biến, đóng gói sẵn rất ít xảy ra.

Về phía cơ quan quản lý, bà Trần Việt Nga cho biết, với điều kiện như hiện nay của nước ta, chưa thể bỏ công bố chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, tức là hình thức tiền kiểm.

Đại diện Bộ Y tế lý giải, hiện nay, điều kiện và quy mô sản xuất kinh doanh của Việt Nam mới chỉ tương đồng với các nước ASEAN, thậm chí còn nhỏ lẻ hơn các nước trong khu vực rất nhiều.

Rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hộ gia đình tham gia thị trường. Những cơ sở này hầu như sản xuất theo kinh nghiệm, không có nghiên cứu nào để cho ra sản phẩm an toàn với người sử dụng; cũng không có bất kỳ hệ thống kiểm soát chất lượng nào, thậm chí nguyên liệu khi mua về sản xuất cũng không có kiểm soát…

Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của các hộ kinh doanh chưa cao, điển hình là việc trồng rau 2 luống, lợn nuôi 2 chuồng (1 luống/chuồng nuôi trồng để bán, 1 luống/chuồng nuôi trồng để ăn trong gia đình), sử dụng hóa chất vào thực phẩm  như bơm tạp chất vào tôm, dùng chất vàng ô… Theo bà Nga, các cơ sở kinh doanh đều biết làm như vậy là nguy hại đến sức khỏe người dùng, nhưng vẫn làm.

Ngoài ra, do lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành hiện nay ở nước ta còn rất hạn chế, nên nếu chỉ thực hiện hậu kiểm thì không thể làm xuể.

Với thực trạng kinh doanh như trên, nếu để các hộ kinh doanh tự công bố sản phẩm và đưa ra thị trường, các cơ quan Nhà nước sẽ hậu kiểm, tức là đi lấy mẫu kiểm tra xem sản phẩm đó có đúng quy định không, thì rất khó khăn, vì có thể sản phẩm đã tiêu thụ rất nhiều trước đó, khi cơ quan quản lý kiểm tra thì đã muộn.

Bộ Y tế cũng nhận thấy rằng, cần phải tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, nhưng thông thoáng không có nghĩa là tháo bỏ toàn bộ. Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, thì cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, nhất là vấn đề ATTP hiện nay.

Vấn đề là các chính sách đưa ra cần phải minh bạch, rõ ràng, công khai. Để tiền kiểm cần cải cách hành chính, giảm thủ tục giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường khâu hậu kiểm khi thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Nguồn chinhphu.vn

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525