Dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu song mặt hàng bánh nướng, bánh dẻo đã ồ ạt giảm giá, người tiêu dùng thận trọng để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Bánh đại hạ giá trên các sàn thương mại điện tử
Một tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada đã chào bán nhiều sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo với giá giảm tới 50%. Cụ thể, trên sàn Tiki, một hộp 330 gram gồm 6 bánh trung thu nhân trứng chảy, được gia công từ Trung Quốc có giá 378.000 đồng, hiện giảm 50% còn 189.000 đồng. Hay hộp hai bánh trung thu mini loại 150 gram có giá 38.000 đồng giảm còn 19.000 đồng một cái.
Tương tự tại sàn Shopee và Lazada, bánh trung thu giá rẻ và khuyến mãi tràn ngập. Các loại bánh nướng có trọng lượng 200 gram đang có giá 15.000-21.000 đồng một cái, giảm 6-16%. Đối với loại có trọng lượng 350 gram, hộp 4 cái là 360.000 đồng, giảm 10%
https://vfa.gov.vn/storage/upload/cach-lam-banh-trung-thu-bang-noi-chien-khong-dau-3-8523421.jpg
Định mua 1-2 hộp bánh biếu ông bà nội ngoại trước Tết Trung thu, chị Lê Mai Anh (Mỹ Đình – Hà Nội) ngạc nhiên khi ở khắp các sàn thương mại điện tử, sản phẩm giảm giá bày bán la liệt. "Những năm trước, phải sau Rằm tháng 8 bánh trung thu mới giảm giá khủng. Sớm nhất cũng phải đợi đến chiều tối hôm Rằm mới thấy treo biển khuyến mãi. Nhưng mới qua rằm tháng 7, bánh trung thu đã giảm giá mạnh", chị nói.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bánh Trung thu là sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm, bao gồm chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc… Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại. Quá trình chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh: từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến đã khiến cho sản phẩm không an toàn cho người sử dụng.
Việc nhận biết bằng mắt thường bánh trung thu không an toàn là rất khó khăn. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng không thể nhìn vào chiếc bánh để nhận biết được độ an toàn mà họ chỉ có thể đặt niềm tin vào nơi sản xuất và bánh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
"Với các hãng bánh có thương hiệu thì đã có sự kiểm soát của nhà nước, cơ quan chức năng. Từ nhiều năm nay, vào dịp Tết Trung thu thường rộ lên trào lưu làm bánh handmade, nhà nhà làm bánh thì rất khó kiểm soát về chất lượng. Người dân chỉ có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách chọn mua những loại bánh có thương hiệu, đáng tin cậy và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Thận trọng với bánh giá rẻ
Vừa qua, Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và tạm giữ trên 4.600 chiếc bánh trung thu nhập lậu. Quản lý thị trường TP.HCM sáng 30/8 cũng thu giữ hàng trăm bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), dù cho là mua loại bánh nào cũng cần được công khai bảng thành phần, tên thương hiệu… đến người tiêu dùng để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua. Bánh Trung thu nói riêng và thực phẩm nói chung, không nên ham rẻ mà tiêu chí đầu tiên phải là an toàn cho sức khỏe. Hãy thận trọng với các loại bánh siêu giảm giá, quan sát kỹ hạn sử dụng, cảm quan màu sắc, mùi vị… tránh mua phải bánh đã hoặc sắp hết hạn, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng.
Hiện có một xu hướng là người dùng thích loại bánh trung thu cách điệu, được vẽ những hình thù rất đẹp mắt lên mặt bánh. Loại sản phẩm này không có gì nguy hiểm nếu nguyên liệu tạo màu an toàn.
Nhưng để có lợi nhuận cao, nhiều người dùng màu chất lượng kém sẽ rất nguy hiểm. Một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng, erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) gây ung thư tuyến giáp, allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…
Việc ăn bánh Trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây nên những ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Chuyên gia khuyên, khi chọn bánh, người dân cần phải để ý xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra phải quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không. Để tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần tuyệt đối không mua những bánh có dấu hiệu bị mốc, không sử dụng bánh đã hết hạn hoặc không ghi hạn sử dụng; mua các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và có đăng ký chất lượng.
Bình luận