Ngày 19/10/2023 tại Hội trường Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban Quản lý) đã diễn ra Hội nghị đối thoại triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng ngừa sự cố về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh ngọt trên địa bàn thành phố. Tham dự Hội nghị có Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Ban Quản lý, Lãnh đạo các phòng chuyên môn, Đội trưởng các Đội quản lý An toàn thực phẩm trực thuộc Phòng Thanh tra cùng các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh ngọt trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Ban Quản lý hoan nghênh sự hiện diện của các cơ sở tại hội nghị để Ban Quản lý kịp thời trao đổi, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh ngọt trên địa bàn thành phố về công tác đảm bảo và phòng ngừa sự cố về an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Ban Quản lý phát biểu khai mạc
Tại Hội nghị đối thoại, các cơ sở đã được nghe hướng dẫn từ Lãnh đạo các phòng chuyên môn, cụ thể: Phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm báo cáo tình hình ngộ độc trong 9 tháng đầu năm 2023. Phòng Cấp phép hướng dẫn các cơ sở phương thức tìm hiểu các căn cứ pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành như điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm khi sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh, cách thức ghi nhãn, quy định về sử dụng phụ gia nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình lưu thông hàng hóa. Đối với quản lý chất lượng sản phẩm, Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm hướng dẫn, lưu ý các cơ sở về nguồn gốc, xuất sứ, kiểm soát chất lượng đối với nguồn nguyên liệu đầu vào, lưu ý khi ghi nhãn theo lô sản xuất để phục vụ công tác truy xuất, xử lý hoặc thu hồi sản phẩm khi có sự cố. Phòng Thanh tra hướng dẫn Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm số 115/2018/NĐ-CP, trong đó lưu ý những hành vi các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thường vi phạm như điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo (khoảng cách an toàn đối với nguồn ô nhiễm, chế độ vệ sinh nhà xưởng), điều kiện trang thiết bị dụng cụ (thùng rác), điều kiện về con người (vệ sinh cá nhân, thao tác thực hành trong quá trình sản xuất, chế biến), nguồn gốc, hạn sử dụng của các nguyên liệu và phụ gia thực phẩm...Ngoài ra, cũng lưu ý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cơ sở sẽ bị xử lý vi phạm hành chính tại các quy định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Sau cùng, Phòng Thông tin, Giáo dục, Truyền thông hướng dẫn các cơ sở về công tác tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm.
Bà Bùi Thị Hồng Vân – Trưởng Phòng TTGDTT hướng dẫn cơ sở
Hội nghị cũng đã dành thời gian để giải đáp các vướng mắc, khó khăn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh ngọt gặp phải trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính như cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thủ tục công bố, tự công bố sản phẩm,...
Các cơ sở đối thoại trực tiếp cùng Lãnh đạo Ban Quản lý
Hội nghị đối thoại triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng ngừa sự cố về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh ngọt trên địa bàn thành phố đã diễn ra thành công tốt đẹp khi kịp thời hướng dẫn, cập nhật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm. Thông qua đó, các cơ sở được trao đổi, củng cố kiến thức từ đó thiết lập cơ sở hành lang pháp lý chặt chẽ khi vận hành. Đây cũng là dịp các cơ sở được trao đổi trực tiếp cùng các Lãnh đạo Ban Quản lý góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn mà cơ sở gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố mong muốn các doanh nghiệp, các cơ sở tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật trong lĩnh vực hoạt động nhằm hạn chế tối đa các trường hợp ngộ độc và góp phần mang lại những thực phẩm thật sự lành mạnh và an toàn cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Ban QLATTP TP Hồ Chí Minh
Bình luận