Sáng ngày 07/5/2025, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế, cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại hội nghị, các đại biểu cần tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp tập trung vào những khó khăn, bất cập của thể chế để các Bộ, ngành có liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh. Bên cạnh đó là công tác tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là việc triển khai thực hiện các Nghị định Thông tư, công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn các địa phương, vấn đề tuyên truyền vận động đối với người dân. Từ đó, sẽ chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại hạn chế và đưa ra những giải pháp căn cơ để quản lý và nâng cao chất lượng dược phẩm và thực phẩm chức năng để người dân yên tâm sử sụng.
TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế báo cáo tại hội nghị
Báo cáo về công tác “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, đảm bảo sự an toàn và quyền lợi của người dân” đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết thuốc có vai trò quan trọng trong công tác phòng chữa bệnh. Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc giả có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh. Do vậy, công tác bảo đảm chất lượng thuốc, đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán thuốc giả luôn là một trong các hoạt động được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Chính phủ, của Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan, cũng như của các doanh nghiệp dược chân chính.
Báo cáo cũng đưa ra những đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, trong đó chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ thuốc. Trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc giả, cần phải phối hợp với lực lượng công an, quyết liệt điều tra, truy tìm tận gốc cơ sở sản xuất, cơ sở đầu mối kinh doanh; nâng cao kiến thức, vai trò của chính quyền cơ sở (UBND, công an cấp xã, phường…) trong công tác phòng, chống thuốc giả; có chế tài xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ việc sản xuất thuốc giả trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về phòng, chống thuốc giả, hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng để người dân dễ tiếp cận (qua mạng xã hội như zalo, viber; qua phương tiện thông tin đại chúng; tin nhắn SMS…), có chế tài khuyến khích người dân thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả.
TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế báo cáo tại hội nghị
Đối với công tác quản lý thực phẩm Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả là thực phẩm qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Các sản phẩm giả thường được sản xuất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, và chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Hằng năm, thông qua công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó một số vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe lưu hành ngoài thị trường khi chưa được công bố, giả nhãn hiệu, giả nguồn gốc, xuất xứ, giả về chất lượng… Cục An toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét, xử lý.
Báo cáo cũng nêu ra các nguyên nhân chính của việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả đó là lợi nhuận cao. Việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mang lại lợi nhuận lớn, trong khi chi phí đầu tư thấp, khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi này.
Hệ thống pháp luật và công tác quản lý, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh; đăng ký bản công bố sản phẩm: Đa số các thực phẩm hiện nay được tự công bố, chỉ có 03 nhóm sản phẩm phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
TS. Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu tại Hội nghị
Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo quyết liệt; đồng thời có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương. Cơ sở pháp lý để quản lý, xử lý thực phẩm giả đã có đầy đủ: Bộ luật Hình sự 2015 và các nghị định xử phạt về hàng giả với mức phạt hành chính và hình sự nghiêm khắc. Công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp tổ chức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các Bộ, ngành, địa phương đã có hiệu quả; nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phối hợp phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật.
Một số quy định pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, như việc tự công bố/ đăng ký bản công bố sản phẩm đơn giản, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; lợi dụng chính sách thông thoáng trong đăng ký doanh nghiệp; đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe để trốn tránh trách nhiệm khi có vi phạm... Khó khăn trong kiểm soát hoạt động thương mại điện tử: Việc mua bán thực phẩm qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hàng “xách tay” ngày càng phát triển, khiến việc kiểm soát, giám sát chất lượng trở nên khó khăn. Lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện công tác này còn mỏng và thiếu, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng...bị phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trưởng- Bộ NN và PTNT phát biểu tham luận
Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Bộ Công an Việt Nam phát biểu tham luận
Tại hội nghị các đại biểu cũng đã tham luận về những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý dược phẩm và thực phẩm tại địa phương, vai trò, trách nhiệm phối hợp của các Bộ, ngành đối với công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuốc và thực phẩm.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến thuốc giả và thực phẩm giả. Thông qua các cuộc thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt trong lĩnh vực dược 43 cơ sở với tổng số tiền 2.5 tỷ đồng.
Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang phát triển mạnh, giá trị thị trường đạt khoảng trên 2 tỷ USD, được người dân quan tâm và lựa chọn sử dụng, hoạt động mua bán diễn ra với nhiều hình thức, nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất. Tuy nhiên một số công ty vì lợi nhuận đã bỏ qua các quy định về các sản phẩm thực phẩm chức năng tạo ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Công tác quản lý mới chỉ đảm bảo an toàn nhưng chưa đảm bảo chất lương. Cơ chế tự công bố đặt ra thách thức cho vấn đề hậu kiểm. Chưa có cơ chế để thu hồi công bố sản phẩm. Công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm còn hạn chế, chưa chủ động tại các địa phương. Quảng cáo sai nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Ý thức của các chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc sản xuất, mua bán và sử dụng các sản phẩm dược phẩm và thực phẩm chức năng còn nhiều bất cập, việc ung dụng CNTT trong quản lý còn hạn chế.
Để giải quyết các vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/2022 của Ban Bí thư và công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Khẩn trương hoàn thiện và sửa Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm để đảm bảo quản lý chặt công tác quản lý an toàn thực phẩm, khắc phục những vướng mắc, bất cập trình Chính phủ trước 15/5/2025 để thống nhất quản lý chất lượng về thực phẩm chức năng;
Siết chặt quản lý về công tác đăng kí, tự công bố sản phẩm.Tăng cường hậu kiểm, tăng cường kiểm tra đột xuất phát hiện và xử lý kịp thời thiết lập tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc đối với sản phẩm thực phẩm chức năng. Yêu cầu doanh nghiệp phải công bố chất lượng và phương pháp kiểm tra chất lượng với cơ quan chức năng. Tăng cường truyền thông về thực phẩm chức năng để người dân hiểu đúng, dùng đúng và làm đúng. Tuyên truyền đạo đức quảng cáo và vi phạm quảng cáo, xử lý vi phạm của đơn vị truyền thông quảng cáo, người tham gia quảng cáo. Tăng cường tham gia đánh giá độc lập và tôn trọng ý kiến phản ánh của người dân;
Nâng mức xử phạt hành chính theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
Đối với thuốc để nâng cao chất lượng quản lý cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền;
Triển khai công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ;
Các địa phương thực hiện ngay việc rà soát và thu hồi các sản phẩm thuốc giả đã được công bố. Đẩy mạnh hoạt động thanh kiềm tra trên địa bàn đặc biệt là các đơn vị bán buôn, đặc biệt lưu ý đến xuất sứ nguồn gốc thuốc. Phát hiện thuốc giả, quyết liệt xử lý nếu cần phải chuyển cơ quan điều tra, truy tìm tận gốc cơ sở kinh doanh và cơ sở sản xuất thuốc giả để xử lý. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao kiến thức của người dân về thuốc giả, phòng, chống thuốc giả và đẩy mạnh dùng thuốc theo đơn. Khuyến khích người dân thông tin cho cơ quan chức năng về thuốc giả. Tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc giả. Quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc điện tử và thuốc lưu động
Thứ trưởng đề nghị UBND các tỉnh phát động đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả đến hết tháng 5/2025, báo cáo Bộ Y tế tổng hợp trước ngày 10/6/2025;
Cục Quản lý Dược chủ trì phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất có quy định chặt chẽ phân định giữa thuốc và thực phẩm chức năng.
Cục An toàn thực phẩm tiếp tục triển khai thực hiện việc sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP và trình Chính phủ Dự án sửa đổi Luật An toàn thực phẩm.
Bình luận