Ủy ban Codex Việt Nam: Vì an toàn người tiêu dùng

Ngày đăng: 16/01/2019 - Lượt xem: 42521

Ngày 16/1/2018, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Ủy ban Codex Việt Nam) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ VII (2017-2018) tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, các lãnh đạo Cục, Vụ, Viện, đại diện các Bộ Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, trưởng các ban kỹ thuật Codex và các thành viên, đầu mối Codex tại các Bộ và các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Hội nghị đã nghe báo cáo Tổng kết hoạt động của Ủy ban Codex Việt Nam nhiệm kỳ VII và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VIII.

Năm 2018, Ủy ban Codex Việt Nam đã tiếp tục hoạt động tham gia tư vấn cung cấp thông tin, đóng góp ý kiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương trong các lĩnh vực ATTP như: ghi nhãn thực phẩm, quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân tích vi sinh vật trong thực phẩm, dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm, sản phẩm thức ăn công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa và sản phẩm sữa...

Bên cạnh đó, Ủy ban Codex Việt Nam đã tham gia góp ý các Dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế.

Ủy ban Codex Việt Nam đã điều phối các cơ quan, bộ ngành và doanh nghiệp liên quan, tổ chức các cuộc họp  Ban Kỹ thuật của Ủy ban Codex Việt Nam, gửi các dự thảo tài liệu của Ủy ban Codex quốc tế có liên quan đến sản xuất kinh doanh thực phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ủy ban Codex Việt Nam cũng đề xuất các Bộ, ngành và doanh nghiệp cử chuyên gia tham gia các nhóm công tác điện tử (EWG) của các Ban Kỹ thuật Codex quốc tế.

Trong nhiệm kỳ VII, Ủy ban Codex Việt Nam đã tổ chức được 22 đoàn tham dự các cuộc họp Codex với sự tham gia của 86 đại biểu của các Bộ ngành và doanh nghiệp tham gia.

Ủy ban Codex Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến cho các Dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế cụ thể như: sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ, sử dụng phụ gia thực phẩm Nitrat và Nitrit, các hoạt chất thuốc Bảo vệ thực vật năm 2019...

Ủy ban cũng đã góp ý cơ chế hoạt động của Nhóm đặc trách ASEAN về Codex (ATFC) nhằm tăng cường mạng lưới và quản lý công việc của Nhóm đặc trách để củng cố lập trường của ASEAN tại các Hội nghị Codex quốc tế; Góp ý dự thảo Công cụ thực hiện Khung Pháp lý về ATTP của ASEAN.

Trong các hoạt động quốc tế, Ủy ban Codex Việt Nam nhận thấy có một số hạn chế trong hoạt động như: tỷ lệ phản hồi các yêu cầu góp ý văn bản của Codex quốc tế còn thấp; các thông tin số liệu về chất lượng, ATTP còn nghèo nàn; hạn chế về ngoại ngữ trong văn bản và các cuộc họp Codex quốc tế...

Đối với các hoạt động trong nước, Ủy ban Codex Việt Nam đã tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về vao trò của tiêu chuẩn Codex trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về thực phẩm, tầm quan trọng hài hòa và hội nhập tiêu chuẩn trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất thực phẩm trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, Ủy ban Codex cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội nghị và hội thảo trong nước về các vấn đề tiêu chuẩn ATTP.

Trong công tác thông tin dữ liệu, Ủy ban đã chuyển dịch các tài liệu, văn bản tiêu chuẩn Codex và phát hành ấn phẩm phục vụ cho các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về thực phẩm. Ủy ban đã phát hành nhiều ấn phẩm trong năm 2018: Tiêu chuẩn Codex về Phụ gia thực phẩm - tập 1; Tiêu chuẩn Codex về dinh dưỡng và Thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt- tập 1; Tiêu chuẩn Codex về sữa và sản phẩm sữa (Tập 1- Soát xét lần 1); Sổ tay Ủy ban Codex quốc tế; Cuốn sách về Thương mại và các tiêu chuẩn ATTP.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ VII của Ủy ban Codex Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) nhận định, hiện nay, Công tác Văn phòng Codex ngày càng có nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động chuyên môn. Do vậy, việc tăng cường thêm nhân lực chuyên môn là rất cần thiết để Văn phòng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PGS. TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, việc tham gia cuộc họp các Ban Kỹ thuật Codex quốc tế là một hoạt động rất quan trọng. Đề nghị các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công thương cần có kế hoạch kinh phí và cử cán bộ, chuyên gia ổn định hàng năm để tham gia tích cực, đều đặn các hoạt động này.

Các Bộ và ngành cần ổn định bộ phận đầu mối về Codex để tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng quan điểm và lập trường của Chính phủ Việt nam trong xây dựng tiêu chuẩn Codex, tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Codex để bảo vệ sản phẩm thực phẩm cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam, giúp Ủy ban Codex Việt Nam tham gia đàm phán và bảo vệ lập trường của Việt Nam trong các cuộc họp của Codex quốc tế.

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top