Chiều ngày 28/8/2023, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đoàn giám sát của Ban Văn hóa -Xã hội HĐND tỉnh do Bà Hoàng Thị Kim Vân, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn và các thành viên của đoàn; Về phía ngành Y tế có Bs Hoàng Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; cùng với lãnh đạo và chuyên viên các sở NN&PTNN, Sở Công Thương cùng tham dự.
Đoàn giám sát của Ban văn hoá-xã hội HĐND
Tại buổi giám sát lãnh đạo các ngành đã báo cáo kết quả việc thực hiện các chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) từ ngày 1/1/2022 đến 31/7/2023, qua báo cáo của ba ngành đã nêu bật những kết quả đã đạt được trong thời gian qua như: Tham mưu kịp thời cho các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo về ATTP; Chủ động xây dựng chương trình kế hoạch triển khai có hiệu quả các chủ trương chính sách và pháp luật về ATTP; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn như tuyên truyền giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm; tăng cường các biện pháp giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác phối hợp liên ngành đã đạt được những kết quả khả quan; trong năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xẩy ra. Tuy nhiên với những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như: Công tác tuyên truyền đã tích cực triển khai nhưng chưa được toàn diện, tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ngộ độc các độc tố tự nhiên tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Công tác quản lý có nhiều chuyển biến, nhưng nguy cơ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa đảm bảo các điều kiện về ATTP còn cao; Công tác kiểm tra, hậu chủ yếu vào dịp cao điểm, việc xử lý vi phạm hành chính ở tuyến cơ sở chưa quyết liệt do cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh múm; kinh phí dành cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ đã phát sinh một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện,...
Qua nghe báo cáo của ba ngành và giám sát thực tế tại một số địa bàn, bà Hoàng Thị Kim Vân, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh thay mặt Đoàn giám sát đã kết luận như sau: Đoàn giám sát đánh giá cao việc chủ động tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, sâu sát của lãnh đạo các ngành nhất là Sở Y tế, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế nên trong thời gian qua đã triển khai đạt được những kết quả khả quan, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới các Sở, ngành tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông về an ninh, ATTP; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 03/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 08/5/2023 của UBND tỉnh Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 102-KH/TU, ngày 13/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; thực hiện vai trò, trách nhiệm phân cấp quản lý theo Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND ngày 14/8/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn,…
Kết thúc buổi giám sát lãnh đạo các Sở, ngành đã tiếp thu những ý kiến góp ý, các kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát và sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong thời gian tới sẽ đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra để triển khai tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Chi cục ATVSTP Lạng Sơn
Bình luận