Tham dự và chủ trì buổi giao ban có Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành VSATTP, các đồng chí là Lãnh đạo các Sở, ban ngành và cơ quan thông tấn báo chí địa phương.
Tại Hội nghị đại biểu đã nghe báo cáo kết quả công tác bảo đảm ATTP 6 tháng đầu năm, kết quả triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, định hướng công tác 6 tháng cuối năm 2013; đồng thời đã nghe 06 ý kiến tham luận của các thành viên BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh và của các địa phương, Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP chỉ đạo:
1. Nhóm giải pháp về chỉ đạo điều hành
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP: Tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ATTP trong đó ngành Y tế làm đầu mối đối với từng công đoạn của “Chuỗi cung cấp thực phẩm”;
- Triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP;
- Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp; nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành liên quan đến công tác bảo đảm ATTP; tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong đó ngành Y tế làm đầu mối; chú trọng xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ nhiệm vụ trách nhiệm của các ngành, các đơn vị liên quan;
- Đưa mục tiêu bảo đảm ATTP trở thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương trong tỉnh;
- Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP nhất là đối với tình trạng lạm dụng hóa chất độc hại trong sản xuất rau củ quả, trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh gia cầm nhập lậu.
2. Nhóm giải pháp về chuyên môn kỹ thuật
- Nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm: Tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, ghi nhận và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, chợ, cảng, trường học, khu công nghiệp; kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống; xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm làm cơ sở cho công tác quản lý an toàn thực phẩm dựa vào bằng chứng.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP, tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung biện pháp tuyên truyền phải phù hợp với từng vùng miền. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chuyên mục chuyên trang về “An toàn thực phẩm” để hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi bảo đảm ATTP của chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để họ hiểu và thực hành đúng về bảo đảm ATTP;
3. Nhóm giải pháp về nguồn lực
- Xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm: Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm;
- Sở Y tế phối hợp với các Sở ngành liên quan xây dựng “Đề án xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm” nhằm tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đầu tư xây dựng cơ sở làm việc với đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ và phương tiện đi lại cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa;
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa
Bình luận