Chế độ ăn trong bệnh viêm loét dạ dày nhằm mục đích làm giảm tiết axit, giảm tác dụng của axit dạ dày tiết ra lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày được nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.
Dạ dày có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng. Ngoài việc dự trữ thức ăn đưa vào để tiêu hóa dần, dạ dày còn là cơ quan nghiền nhuyễn thức ăn và tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu hóa, hấp thụ thức ăn ở ruột non. Loét dạ dày tá tràng là một bệnh khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam, bệnh thường đứng đầu trong các bệnh đường tiêu hóa, bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu là tăng tiết axit.
Trong dinh dưỡng bình thường thì khối lượng thức ăn, sự nhai nghiền thức ăn thành mảnh bé trước khi nuốt vào dạ dày là rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở ruột non. Muốn tiêu hóa, hấp thu thức ăn có hiệu quả cần lưu ý:
Nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên dùng thực phẩm ăn sống.
Nhai kỹ, ăn chậm.
Không ăn quá no một lúc mà nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa), ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa axit, mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều axit.
Không ăn quá nhiều canh cùng với bữa cơm. Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận