Phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn Listeria Monocytogenes

Ngày đăng: 22/03/2015 - Lượt xem: 8659

 Vừa qua, có cảnh báo cáo thông tin của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh của Mỹ CDC thông báo vụ ngộ độc tại Kansas do ăn kem nhiễm khuẩn Listeria. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số kiến thức đến bạn đọc về bệnh do nhiễm khuẩn Listeria gây ra.

Bệnh do Listeria là một nhiễm khuẩn với biểu hiện bệnh lý chủ yếu là hội chứng viêm não, màng não hay nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh, người lớn và gây sảy thai ở phụ nữ có thai, do các  týp 1a, 2a, 1b, 2b, 4b của trực khuẩn Listeria monocytogenes, thường dưới dạng ca bệnh tản phát ở trẻ sơ sinh, đôi khi có những vụ dịch nhỏ hoặc vừa do nhiễm khuẩn theo đường thực phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật và sản phẩm của chúng.

Vi khuẩn Listeria monocytogenes có nhiều trong tự nhiên, trong đất, phân súc vật, nước thải, bùn lầy, rau hỏng, đặc biệt là trong sữa và cỏ xanh không được phơi khô (cỏ khô ủ men). Vi khuẩn phát triển ở nhiệt độ 1ºC - 45ºC, tốt nhất là quanh 45ºC và ở pH: 6-8 là vi khuẩn hiếu kị khí tùy ý; tuy nhiên dễ bị diệt ở nhiệt độ trên 60oC hoặc khi tiếp xúc với những hóa chất khử trùng ở nồng độ thông thường; vi khuẩn có thể tồn tại dài ngày trong thực phẩm sống bảo quản đông lạnh, là trực khuẩn gram (+), không có vỏ, không sinh nha bào. Vi khuẩn không sinh ra ngoại độc tố nhưng có nội độc tố gây hoại tử và gây bệnh cho người.

Vi khuẩn từ đường tiêu hóa xâm nhập vào máu và các mô của người nhiễm vi khuẩn, bao gồm cả bánh rau của phụ nữ có thai. Từ đó vi khuẩn xâm nhập vào các tế bào mẫn cảm và nhân lên nhiều lần. Người có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ sơ sinh, người trung niên, người bị tổn thương hệ miễn dịch và phụ nữ có thai. Bệnh do nhiễm khuẩn Listeria (còn gọi là Listeriosis) có hai thể:

- Bệnh khu trú ở ruột: bệnh chỉ khu trú ở hệ thống tiêu hóa (người bệnh sẽ có các triệu chứng nhẹ giống như bị cúm thường như sốt, đau mỏi cơ, tiêu chảy).

- Bệnh thể lan tỏa và xâm nhiễm: Sự nhiễm bệnh không tập trung tại đường tiêu hóa mà còn xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm trùng máu hoặc lan sang cả hệ thần kinh trung ương và não bộ gây viêm màng não. Những người có hệ miễn dịch yếu có thể làm cho tình trạng nhiễm khuẩn thêm nặng hơn: trẻ em, người già từ 60 tuổi trở lên, người đang trong giai đoạn dùng các phương pháp điều trị làm suy giảm chức năng miễn dịch như hóa xạ trị, người có hệ miễn dịch yếu như bị HIV/AIDS, tiểu đường, phụ nữ mang thai.

Các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu xuất hiện vài ngày sau khi ăn/uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, có một số trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài đến 2 tháng mới xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường gặp là: tiêu chảy, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn, đau cơ, có các cơn ớn lạnh hoặc rùng mình, đôi khi có các biểu hiện giống cúm. Nếu xuất hiện tình trạng nhiễm Listeria vào hệ thần kinh các diễn biến thường nặng hơn, có thể dẫn đến viêm não, màng não và nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh, người lớn, gây sảy thai ở phụ nữ có mang.

Bất kỳ thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật đều có nguy cơ ô nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt Listeria monocytogenes có nhiều trong sữa, các sản phẩm của sữa không được bảo quản lạnh thích hợp, pho mát mềm; ngoài ra còn thấy ở patê, thịt tươi sống hoặc thịt đông lạnh, gà vịt, rau quả tươi, tôm, cua…

Điều trị bệnh:

- Điều trị đặc hiệu: kháng sinh chủ yếu dùng cho điều trị như: Penicillin, Ampicillin, Doxycyclin, Erythromyxin, Ciprofloxacin. Hiện nay vi khuẩn Listeria monocytogenes đã kháng với một số kháng sinh thông thường, vì vậy nên điều trị theo kết quả kháng sinh đồ.

- Bệnh khu trú ở ruột: nếu bệnh nhân có sốt sử dụng một số thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen…. nếu có tiêu chảy truyền dịch Natri chlorid 0,9% tránh cơ thể bị mất nước.

- Bệnh thể lan tỏa và xâm nhiễm: người bệnh nên nhập viện để điều trị tích cực với các loại kháng sinh phù hợp. Thời gian nằm viện phụ thuộc vào nơi khu trú của Listeria: máu, hệ thần kinh hay các cơ quan nội tạng khác. Hầu hết những người nhiễm Listeria lan tỏa đều điều trị tích cực với kháng sinh tiêm tĩnh mạch ít nhất trong 2 tuần. Một số trường hợp nặng hơn, bệnh nhân được yêu cầu kéo dài thời gian điều trị lên đến hơn 6 tuần.

 

Biện pháp dự phòng:

- Ăn thịt đã nấu chín kỹ.

- Tiệt trùng tất cả sản phẩm sữa.

- Không bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu, luôn giữ tủ lạnh bên trong sạch sẽ (do vi khuẩn có thể phát triển từ từ trong nhiệt độ tủ lạnh).

- Tránh sử dụng phân chưa xử lý để bón rau.

- Rau sống phải rửa thật sạch trước khi ăn.

- Bác sĩ thú y, người chăn nuôi gia súc nên cẩn thận khi tiếp xúc với thai súc vật bị chết, những con vật bị ốm.

VFA

 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top