Rau má không chỉ là loại rau thông dụng có thể ăn hàng ngày, mà còn là một vị thuốc chữa bệnh và làm đẹp. Bạn có thể chế biến dưới nhiều cách như luộc, nấu canh, ăn sống hay giã nhuyễn vắt lấy nước uống đều rất tốt cho cơ thể.
Đối với người thừa cân, béo phì, xơ vữa động mạch, nếu ăn rau má lâu dài có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu, các mạch máu hoạt động mềm mại trở lại, hạn chế tai biến do xơ vữa động mạch gây ra.
Hoạt chất asiaticoside trong rau má tác động lên một số tế bào biểu bì, kích thích sừng hóa và tác dụng đến sự phân chia tế bào, làm nhanh lành vết thương ngoài da.
Một số loại chất trong rau má được gọi là triterpenoids có công dụng tăng tốc độ chữa lành vết thương, tăng cường chất chống oxy hóa,vị trí vết thương, tăng cường da và tăng cung cấp máu cho khu vực bị thương.
BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch TƯ Hội Đông y Việt Nam, cho biết: 'Rau má có vị đắng, đi vào gan làm cho gan mát, con người thoải mái. Mùa đông ăn rau má có cảm giác ấm bởi chất ngọt. Loại cây có vị vừa đắng vừa ngọt như rau má rất hiếm, đắng là hàn, ngọt là ôn. Vì vậy, rau má có tác dụng điều hòa cơ thể rất tốt'.
Tuy nhiên, rau má có tính hàn, lạnh bụng có thể gây tiêu chảy nhẹ. Rau má thường được uống sống nên quá trình chế biến cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa cho người dùng. Rau má là một loại rau ăn bình thường và vì chưa thấy ngộ độc nên nhiều người vẫn sử dụng thường xuyên. Theo quan điểm của đông y, thái quá thì bất cập.
Một người bình thường mỗi ngày có thể sử dụng 40g rau má nhưng cũng không nên dùng quá 1 tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu là nửa tháng rồi mới dùng tiếp.
Ngoài ra, Học viện Y tế tại Mỹ và châu Âu cũng đã đưa ra khuyến cáo, rau má mặc dù an toàn nhưng không nên sử dụng quá 6 tuần mà không có chỉ định của bác sĩ, những người mắc bệnh gan hoặc có tiền sử các bệnh tổn thương da, ung thư không nên dùng…
Để chọn được rau má ngon, bạn nên tìm rau tươi, lá nhỏ, không to, cuống xanh và mượt. Lá rau quá to sẽ không có vị bùi, mát đặc trưng.
Theo Phạm Anh/vtc.vn
Bình luận