Đoàn liên ngành trung ương kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022 tại tỉnh Nghệ An

Ngày đăng: 20/01/2022 - Lượt xem: 3358

Thực hiện Quyết định số 78/QĐ-BYT ngày 13/01/2022 của Bộ Y tế về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022. Ngày 18/01/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm do đồng chí Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế làm Trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã tiến hành kiểm tra việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022 tại tỉnh Nghệ An.

Tiếp và làm việc với Đoàn Bộ Y tế, về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Đậu Huy Hoàn – Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Phạm Ngọc Quy – Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh.

Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Ngọc Quy – Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thay mặt Ban chỉ đạo báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2021 và triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo về an toàn thực phẩm, trong đó đáng chú ý là Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 20/5/2021 (thay thế các Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 18/10/2018, số 15/2019/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh) quy định về phân công, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh việc phân cấp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với UBND cấp huyện, cấp xã; Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 20/8/2021 về tiêu chí chấm điểm và quy trình đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm được triển khai đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung, đặc biêt là công tác biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn và công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định được triển khai kịp thời. Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được triển khai định kỳ hàng tháng và các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu. Kết quả ngành Y tế giám sát  355 mẫu thực phẩm, trong đó có 332 mẫu đạt (93,5%) và 23 mẫu không đạt (6,5%); Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn giám sát 309 mẫu trong đó 185 mẫu đạt (59,87%), 24 mẫu không đạt (11,48%) và 100 mẫu đang chờ kết quả phân tích.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm năm 2021, tỉnh Nghệ An đã thành lập 1.191 đoàn, tiến hành thanh tra, kiểm tra được 10.332 cơ sở, trong đó có 9.276 cơ sở đạt (89,78%), 1.056 cơ sở vi phạm (10,22%), tổng số tiền xử phạt 3.099.940.000 đồng. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy số hàng hóa quá hạn sử dụng, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị 2.720.076.000 đồng. Công an tỉnh thu giữ và xử lý theo quy định của pháp luật 28.120 động vật, sản phẩm động vật không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 12,2 tấn hàng hóa, thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 17,1 tấn sản phẩm động vật bốc mùi cùng nhiều mặt hàng thực phẩm khác không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm có 05 người mắc, không có trường hợp tử vong và không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tử 30 người mắc trở lên (giảm 02 vụ và 12 người mắc so với năm 2020). Đây là năm có số vụ và số người mắc ngộ độc thực phẩm ít nhất.

Để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 789/KH-UBND ngày 20/12/2021về việc triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 và Kế hoạch số 806/KH-UBND ngày 24/12/2021 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, các tổ chức chính trị xã hội thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai kịp thời các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định phân công, phân cấp.

Ông Phạm Ngọc Quy – Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An báo cáo

kết quả thực hiện năm 2021 và công tác triển khai ATTP dịp Tết Nhâm Dần

 

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Việt Nga đã ghi nhận những kết quả hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm mà tỉnh Nghệ An đã triển khai trong năm 2021 như: Quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm; công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát, xây dựng mô hình điểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đoàn cũng đánh giá cao công tác triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về an toàn thực phẩm. UBND tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đơn vị liên quan đã triển khai kịp thời và đầy đủ các nội dung tại kế hoạch số 2078/KH-BCĐTƯATTP ngày 15/12/2021của Ban Chỉ đạo.

          Kết luận tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương, bà Trần Việt Nga đề nghị Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới, cụ thể tập trung một số vấn đề sau:

          - Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là hoạt động kinh doanh qua mạng, quảng cáo thực phẩm.

          - Công tác truyền thông cần tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và cần có đánh giá hiệu quả về kiến thức của người dân, cán bộ quản lý các cấp và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu phục vụ cho công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm.

          - Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm cần tiếp tục tăng cường, đánh giá phân tích kết quả cụ thể để làm căn cứ đề xuất, định hướng cho các kế hoạch quản lý trong thời gian tiếp theo.

          - Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

          Trước đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại Siêu thị MM Mega Market. Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao những mặt mạnh mà cơ sở đã làm được, đồng thời yêu cầu cơ sở cần khắc phục những hạn chế mà đoàn đã chỉ ra tại buổi kiểm tra này./.

CHI CỤC ATVSTP NGHỆ AN

 

 

Bình luận

Tin cùng mục

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top