Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu năm 2014

Ngày đăng: 11/08/2014 - Lượt xem: 7837

Tết Trung thu là dịp người dân cả nước sử dụng các loại thực phẩm tăng cao đột biến cả về số lượng và chủng loại, đặc biệt là các loại thực phẩm truyền thống như bánh các loại, nhất là các loại bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo...), mứt kẹo; bia, rượu, nước giải khát; thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây; các dịch vụ ăn uống... Chính vì vậy công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cần được tăng cường.

Nhằm làm tốt công tác bảo đảm ATTP, căn cứ Luật ATTP, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và Kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ATTP năm 2014, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP xây dựng Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2014 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở thực phẩm, trong đó tập trung chủ yếu vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm.

2. Đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết trung thu của các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện đến xã, phường.

3. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về ATTP, nâng cao ý thức bảo đảm ATTP của toàn xã hội.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG THANH TRA, KIỂM TRA

1. Đối tượng thanh tra, kiểm tra

1.1 Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, ưu tiên các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt kẹo; bia, rượu, nước giải khát; thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây; các dịch vụ ăn uống...,. Trong đó, các đoàn của Trung ương và tuyến tỉnh sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm cung cấp với số lượng lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do các đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện, xã thực hiện.

1.2 Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến trên sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm ATTP, việc triển khai các biện pháp quản lý ATTP tại mỗi cấp.

2. Nội dung thanh tra:

2.1 Căn cứ pháp lý để thanh tra, kiểm tra:

- Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

- Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.

- Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu.

- Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 về ghi nhãn hàng hóa.

- Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT/BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Liên Bộ Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP.

- Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 quy định điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 9/11/2012 hướng dẫn việc công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP.

- Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm.

- Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 5/12/2012 Quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

- Các Quy chuẩn quốc gia, quy định về ATTP.

- Các Thông tư của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương quy định về bảo đảm ATTP theo từng lĩnh vực.

2.2 Nội dung thanh tra

2.2.1 Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung kiểm tra:

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy).

- Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Hồ sơ công bố sản phẩm (đối với những sản phẩm phải công bố).

- Nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm (đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn).

- Tài liệu quảng cáo, hồ sơ đăng ký quảng cáo (đối với những cơ sở có quảng cáo sản phẩm thực phẩm).

- Hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ.

- Điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người được quy định tại Luật ATTP và Thông tư của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương.

- Quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm.

- Nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm.

- Nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm.

- Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định.

          2.2.2 Đối với cơ sở dịch vụ ăn uống:

          + Điều kiện bảo đảm ATTP (cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người);

          + Quy trình chế biến bảo quản thực phẩm;

          + Nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm;

+ Việc lưu mẫu thức ăn;

+ Việc bảo đảm nước sạch dùng cho chế biến thực phẩm;

+ Các nội dung khác có liên quan.

          + Lấy mẫu kiểm nghiệm khi cần thiết.

2.2.3 Đối với cơ sở thức ăn đường phố:

          + Kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm ATTP theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT.

          + Lấy mẫu kiểm nghiệm khi cần thiết.

2.2.4 Đối với cơ quan quản lý về ATTP cần nắm bắt thực trạng về:

          + Công tác chỉ đạo, việc triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP;

          + Công tác tuyên truyền giáo dục các quy định, kiến thức về ATTP;

          + Việc triển khai các đoàn thanh, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Trung thu;

III. PHƯƠNG PHÁP THANH TRA, KIỂM TRA

1. Các cơ quan quản lý ATTP của Trung ương và địa phương thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồng thời nắm bắt thực trạng công tác quản lý của cấp dưới (lưu ý đảm bảo sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, tránh sự chồng chéo).

2. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra:

+ Nghe báo cáo việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP của cơ sở;

+ Thu thập tài liệu liên quan;

+ Kiểm tra thực tế tại cơ sở thực phẩm, kiểm tra sản phẩm thực phẩm;

+ Lấy mẫu để kiểm nghiệm xác định các chỉ tiêu ATTP (nếu có) và do Trưởng đoàn quyết định;

+ Lập biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có);

+ Phân tích, đánh giá hồ sơ; phân tích, đánh giá kết quả kiểm nghiệm;

Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, tiến hành nhận xét, đánh giá việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP tại cơ sở thực phẩm; việc triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2014 tại địa phương; đề xuất các giải pháp tăng cường bảo đảm ATTP.

IV. XỬ LÝ VI PHẠM

1. Cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm

- Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

- Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.

- Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

- Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8//2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

- Nghị định số 114/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

- Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

- Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

- Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Các Nghị định khác quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

2. Thực hiện xử lý vi phạm

- Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các sản phẩm quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện khắc phục có hiệu quả.

- Trong quá trình xử lý các vi phạm, khi cần thiết, các đoàn của tuyến trên chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương (Ủy ban nhân dân hoặc thanh tra chuyên ngành về Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành liên quan thực phẩm tại địa phương, Khoa học và Công nghệ hoặc Công an, Quản lý thị trường ...,), nơi có cơ sở được thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định.

V. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

A. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại Trung ương

Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP Trung ương phân công các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương và các ngành liên quan tham gia 08 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm (các Bộ chủ quản của đơn vị Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra), bao gồm:

Đoàn số 1: Cục An toàn thực phẩm chủ trì phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Quản lý thị trường, C 49, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia thanh tra tại Hà Nội, Bắc Ninh.

Đoàn số 2: Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì (Bao gồm cả đơn vị kỹ thuật thuộc Cục để lấy mẫu kiểm nghiệm) phối hợp với Cục ATTP, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa thuộc Tổng cục TCĐLCL (tại Tp. Hồ Chí Minh), C49 (tại TP. Hồ Chí Minh) thanh tra tại Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Đoàn số 3: Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Thú y (tại Tp. Hồ Chí Minh), Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (tại Tp. Hồ Chí Minh), Cục ATTP, Viện Y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh thanh tra tại Bình Dương, Long An.

Đoàn số 4: Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y (tại Đà Nẵng), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Viện Pasteur Nha Trang thanh tra tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Đoàn số 5: Cục Bảo vệ thực vật chủ trì (bao gồm cả đơn vị kiểm nghiệm thuộc Cục tham gia lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu) phối hợp với Cục Quản lý thị trường, C 49, Cục ATTP thanh tra tại Hải Dương, Hưng Yên.

Đoàn số 6: Cục Thú y chủ trì (bao gồm cả đơn vị kiểm nghiệm thuộc Cục tham gia lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu) phối hợp với phối hợp với Cục Quản lý thị trường (tại Tp. Hồ Chí Minh), C 49 (tại Tp. Hồ Chí Minh), Cục ATTP thanh tra tại Cần Thơ, Hậu Giang.

Đoàn số 7: Cục An toàn thực phẩm chủ trì phối hợp với Cục QLCL nông lâm sản và thủy sản (tại Nha Trang), Cục Bảo vệ thực vật (Chi cục KDTV vùng IV tại Bình Định), Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thanh tra tại Gia Lai, Kon Tum.

Đoàn số 8: Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hàng hóa thuộc Tổng cục TCĐLCL (tại Đà Nẵng), Cục Quản lý thị trường (tại Đà Nẵng), Cục Thú y (tại Đà Nẵng), Viện Pasteur Nha trang thanh tra tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

B. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành địa phương

Tuỳ theo tình hình thực tế địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và giao cho các sở: Y tế, NNPTNT, Công thương chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời phối hợp với các Đoàn của Trung ương thanh tra tại các cơ sở thực phẩm theo yêu cầu của Đoàn.

C. Lấy mẫu kiểm nghiệm

1. Tại tuyến trung ương

- Việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm do Trưởng đoàn quyết định trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế nguy cơ mất ATTP tại nơi được thanh tra.

- Kinh phí cho việc mua mẫu và kiểm nghiệm mẫu:

+ Đối với các đoàn có đại diện của các Viện trực thuộc Bộ Y tế tham gia, kinh phí mua mẫu, kiểm nghiệm mẫu do các Viện chịu trách nhiệm bảo đảm từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí bổ sung do Bộ Y tế cấp năm 2014.

+ Đối với các đoàn có đại diện đơn vị kỹ thuật của các Bộ tham gia, kinh phí mua mẫu, kiểm nghiệm mẫu do đơn vị Trưởng đoàn hoặc các đơn vị kỹ thuật được giao lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu bảo đảm.

2. Tại các địa phương: Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của địa phương quy định cụ thể việc lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

D. Thời gian thực hiện

1. Trước ngày 11/8/2014: Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP hoàn chỉnh Kế hoạch thanh tra, kiểm tra gửi các bộ, ngành, địa phương.

2. Trước ngày 20/8/2014: Các Bộ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra Trung ương; các địa phương xây dựng kế hoạch và thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra tại địa phương.

3. Từ ngày 20/8/2014 đến ngày 20/9/2014. Các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương tiến hành thanh tra kiểm tra tại địa bàn được phân công; Các địa phương tiến hành thanh tra tại các cơ sở thực phẩm thuộc địa bàn quản lý.

4. Báo cáo kết quả, thông báo sự cố về ATTP và vi phạm về ATTP:

Các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của trung ương và các địa phương báo cáo kết quả thanh tra về Bộ Y tế (Cục ATVSTP) trước ngày 30/9/2014.

Trường hợp phát hiện có sự cố về an toàn thực phẩm, các đoàn của Trung ương, các địa phương có trách nhiệm báo nhanh trong 24 giờ về Cục ATVSTP, để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các trường hợp có vi phạm thuộc diện phải thông báo rộng rãi, các đoàn thanh tra, kiểm tra, các địa phương phải kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định, tuyệt đối không được ém nhẹm thông tin hoặc thông báo sai quy định gây hoang mang, mất lòng tin của người tiêu dùng.

VI. BẢO ĐẢM KINH PHÍ

1. Tại tuyến trung ương: Kinh phí và phương tiện bảo đảm cho công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện theo Khoản 9 Điều 3,Thông tư số 67/2013/TTLT- BTC-BYT ngày 21 tháng 5 năm 2013 về  quản lý và sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia  VSATTP giai đoạn 2012-2015.

2. Tại các địa phương: Kinh phí và phương tiện bảo đảm cho công tác thanh tra, kiểm tra do địa phương quy định. Việc sử dụng kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành.

Trên đây là Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2014, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ bản Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra và triển khai đợt thanh tra, kiểm tra trên địa bàn quản lý/địa bàn được phân công, báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục ATVSTP) theo đúng thời gian quy định để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Tải kế hoạch tại đây

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top